Dạy thêm, học thêm - Nói mãi thành nhàm?

ANTĐ - Nhiều người cho rằng dạy thêm, học thêm giờ “nói mãi thành nhàm”, ngành giáo dục hô khẩu hiệu nhiều nhưng làm chưa đến nơi đến chốn khiến tình trạng này ngày càng tràn lan và biến tướng.

Ảnh Internet

Không chỉ trước các kỳ thi như tốt nghiệp, đại học - cao đẳng mà dạy thêm, học thêm giờ “nóng quanh năm”, ở mọi cấp học từ học sinh phổ thông xuống đến… mầm non. Chúng tôi đã thử một lần nữa khảo sát một số bậc phụ huynh để có cái nhìn rõ hơn. Chị Nguyễn Thị Bích (quận Hoàng Mai) có con đang học cấp 2 cho biết: “Thấy con học ngày, học tối, nhiều khi cũng rất thương cháu. Nhưng cả lớp cháu không một bạn nào không đi học thêm, biết cô tổ chức học thêm mà không cho cháu đi học thì không yên tâm. Nếu vì lý do này nọ để cháu thua bạn kém bè thì sẽ rất thiệt thòi”.

Anh Đặng Thế Chiến (quận Long Biên) thì cho biết lý do cho con học lớp 7 đi học thêm: “Cháu nhà tôi có học lực tương đối, có thời gian tôi không cho cháu đi học thêm nhưng sức học của cháu đuối rõ ràng. Hỏi cháu thì biết, bài tập cô ra trên lớp, nếu không đi học thêm thì có làm được cũng làm lâu hơn, thua các bạn. Hơn nữa, trên lớp cô không quan tâm, không hỏi han xem cháu có hiểu bài bằng các bạn học thêm hay không”.

Một phụ huynh khác, chị Đinh Thị Thu Hằng (quận Hai Bà Trưng) thì than thở: “Tôi được biết Sở Giáo dục Đào tạo cấm dạy thêm học sinh tiểu học nhưng lại cho phép luyện kỹ năng đọc, viết cho học sinh, vậy có khác gì học thêm. Hơn nữa, giáo viên không nói là dạy thêm mà chỉ là trông trẻ giúp phụ huynh, vậy ai quản lý họ có dạy thêm hay không”. Còn chị Nguyễn Thị Toàn (quận Cầu Giấy) có con học cấp 3 thì cho biết: “Chúng tôi muốn nâng cao học lực cho các cháu vì 3 năm học cuối cấp rất quan trọng, bởi vậy chúng tôi đã tự tổ chức cho các cháu, khi nào đủ số lượng thì mời thầy cô uy tín về dạy”.

Qua nắm bắt từ các bậc phụ huynh có thể thấy khoản thu nhập của các giáo viên dạy thêm có thể lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng, điều này khiến họ khó cưỡng lại việc dạy thêm trong điều kiện tiền lương còn quá ít. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thì khoản thu nhập này là thỏa thuận riêng giữa phụ huynh và giáo viên nên không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Chừng đó lý do đủ để thấy rằng không thể cấm được dạy thêm, học thêm.

Ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định như vậy, và vấn đề mà Bộ này đang hướng đến giải quyết là làm sao hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và dạy, học thêm “cưỡng bức”. Nhiều quy định của Bộ cũng đã được ban hành, sau đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương cũng nhanh chóng ra các quy định chấn chỉnh tình trạng này.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới kết thúc một đợt kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên thành phố. Tuy nhiên, nó mới chỉ dừng ở khía cạnh hành chính. Ông Phạm Hữu Hoan, Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Tham vọng ban đầu của chúng tôi chỉ là kiểm tra về mặt hành chính, đảm bảo tất cả tổ chức, cá nhân dạy thêm học thêm trên toàn thành phố phải được cấp phép. Còn tính chất hoạt động như tự nguyện hay ép buộc sẽ tính sau”.

Giữa năm 2010, một khảo sát dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ cho số liệu, trên 45% phụ huynh thừa nhận việc học thêm là gánh nặng tâm lý, thời gian và tài chính. 40-45% giáo viên thừa nhận việc dạy thêm của mình làm cho phụ huynh học sinh cảm thấy yên tâm. Và đến 72% phụ huynh nghĩ rằng chỉ học chương trình chính khóa cho con là không đủ. Và đặc biệt, theo điều tra, trên 575 giáo viên cho rằng, có những người không giỏi vẫn tự mình tổ chức dạy thêm.

Về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, khảo sát này cho biết tần suất tham gia học thêm 44% là do nhà trường tổ chức; 49% do thầy cô dạy thêm riêng… Có đến 82-85% phụ huynh thừa nhận việc dạy thêm là bình thường và mọi người đều quen cho con học thêm. Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được đưa vào nội dung chống tham nhũng trong giáo dục và cuộc chiến chắc chắn sẽ vẫn còn nan giải.

Sẽ siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm

Theo báo cáo từ địa phương, tại hầu hết các tỉnh thành đều có dạy thêm, học thêm với mục đích, hình thức, mức độ và quy mô khác nhau. Các trường THCS, THPT tổ chức dạy thêm, học thêm cơ bản xuất phát theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh và ôn tập để thi vào các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, cũng có cha mẹ muốn kết hợp với việc nhờ thầy cô giáo dạy thêm quản lý con cái trong những lúc họ bận công việc…

Bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện, bổ sung kiến thức của người học và động cơ không vụ lợi của người dạy. Tuy nhiên, do công tác quản lý của một số Phòng và Sở còn lỏng lẻo; một số giáo viên có tư tưởng vụ lợi nên xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan gây bức xúc.

Để giải quyết những tồn tại trong dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng của chính quyền để quản lý. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, giảm tải chương trình, cải tiến các công tác thi, kiểm tra, đánh giá. Việc kiểm tra chất lượng học sinh được thực hiện theo đề chung cho từng khối lớp, tổ chức chấm chéo bài kiểm tra để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá học sinh…

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học, tổ chức dạy học 6 buổi mỗi tuần (2 buổi một ngày), công khai các điều kiện, thu chi, thực hiện triệt để việc phân hoá học sinh theo nhóm học lực khi học thêm trong nhà trường. Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải thiện chế độ đãi ngộ đối với giáo viên.

Ông Phạm Mạnh Hùng (Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chỉ nên dạy thêm cho một số nhóm đối tượng

Học thêm giờ đã và đang trở thành trào lưu của không chỉ các em học sinh mà cả các bậc phụ huynh. Gia đình nọ muốn kiêu hãnh với gia đình kia, sợ con mình không đi học thì thua bạn kém bè, không đỗ đại học. Chính vì thế mà gia đình nào cũng có nhu cầu cho con cái đi học thêm. Có cầu thì ắt có cung. Còn về phía thầy cô giáo, hiện tại lương quá thấp nên nhu cầu kiếm thêm thu nhập là tất yếu. Việc quản lý của ta lại không chặt, quy định có nhưng thanh tra, kiểm tra, xử lý không đến nơi đến chốn nên dẫn đến “loạn” dạy thêm, học thêm.

Cá nhân tôi theo kinh nghiệm giảng dạy, thấy rằng các em học sinh có thể phân ra 3 nhóm đối tượng: Nhóm học sinh xuất sắc, nhóm trung bình khá và nhóm yếu. Nhóm cần học thêm là nhóm thứ nhất, để các em đi thi, dành giải; và nhóm học sinh yếu để các em nâng cao trình độ. Nhưng hiện tại em nào cũng học, thầy nào cũng dạy dẫn đến áp lực học hành quá lớn cho các em. Bàn về vấn đề này thì quá nhiều ý kiến khác nhau nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa khắc phục được và vẫn phải chấp nhận. Việc cấm là cần thiết, nhưng hiện nay làm không hiệu quả, vì có quy định đấy nhưng thanh tra, kiểm tra, xử lý thì rất kém.

Tiến sĩ Nguyễn Quang La (Chủ tịch Hội cựu giáo chức Hà Nội)

Phối hợp hài hòa giữa gia đình và nhà trường

T rước hết tôi phải khẳng định rằng, dạy thêm, học thêm là một nhu cầu của xã hội. Có cung ắt có cầu theo quy luật của cuộc sống, vì vậy, không nên cấm đoán, không nên chỉ nói một chiều với những mặt trái của vấn đề. Theo tôi, bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu. Bởi vì, học chính khóa chưa đủ thời gian để học trò nắm vững kiến thức nên có nhu cầu học thêm, học phụ đạo.

Dạy thêm ngoài giờ chính khóa, không một thầy cô nào lại dạy học sinh những điều trái với khoa học, trái lương tâm và đạo lý. Những nội dung giáo viên giảng dạy thêm đa phần là những kiến thức bổ ích học trò cần tiếp thu. Vấn đề đặt ra ở đây là gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp hài hòa để có phương pháp định hướng quản lý cho phù hợp, để dạy thêm, học thêm có thể phát huy được những mặt tích cực góp phần nâng cao kiến thức giúp học sinh nắm chắc kiến thức khoa học, kiến thức phổ thông.

Cô giáo Vương Hồng Hạnh (Trường THCS Bế Văn Đàn, Hà Nội)