Đầy rẫy “linh thú” xấu xí trong các di tích Việt

ANTĐ - Liên tục trong thời gian qua, An ninh Thủ đô đã thông tin tới bạn đọc việc Bộ VH-TT&DL yêu cầu di dời những “hiện vật lạ” trong đó nhấn mạnh đến việc “trục xuất” sư tử đá không thuộc văn hóa Việt Nam ra khỏi di tích. Điều đáng nói là, sư tử đá còn có thể định dạng, gọi tên và xác định nguồn gốc, chứ ở di tích bây giờ nhiều “thú lạ” có muốn định danh cũng khó.

“Linh thú” thiếu thẩm mỹ tồn tại ở đình, đền, chùa, phủ dưới mác “linh vật”

Đầu năm 2014, dư luận xôn xao khi lăng Ngô Quyền (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) bỗng dưng có thêm tấm bình phong. Trên tấm bình phong ấy là một con vật được tạo tác hết sức phi thẩm mỹ. Khi đó, con vật này bị gọi là  “quái thú”. Trước sức ép của dư luận, con vật này đã bị di dời. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao một di tích quan trọng bậc nhất như lăng Ngô Quyền lại được phép lơ là giám sát thi công? Tại sao một hạng mục cần phải có sự góp ý, đánh giá, thẩm định của các chuyên gia mỹ thuật…thì lại bị bỏ qua và thay vào đó là bàn tay tạo tác của một thợ xây vụng về. 

Nếu để ý thì “quái thú” chắn lăng Ngô Quyền mà truyền thông đưa ồn ào dạo nọ thực ra cũng chưa xứng tầm để gọi là… quái thú bởi ở nhiều di tích, mà lại là di tích xếp hạng quốc gia về nghệ thuật kiến trúc hẳn hoi, thì dạng “linh thú” mặt xấu, dáng lạ đếm không xuể. Sự xuất hiện của các hình ảnh xấu này ở nhiều nơi là tồn tại lịch sử, sau chiến tranh (đặc biệt là thời kỳ tiêu thổ kháng chiến) nhiều đình chùa đổ nát, hòa bình lập lại, chùa được dựng tạm trên nền cũ, có đến đâu làm đến đó, mọi thứ đều qua quýt tạm bợ, cốt cái tâm. Lại cũng có nhiều nơi, vì phú quý mà sinh lễ nghĩa, cố bịa thêm hạng mục nhằm nâng tổng dự toán, không có kiến thức căn bản về mỹ thuật, ào ào xây dựng để nghiệm thu… và thế là hàng loạt bi kịch nối nhau ra đời. Nếu là tượng hổ thì mặt ngây ngô hài hước hệt như chú Tiễu ở tích trò rối nước. Nếu là phù điêu rồng thì yếu đuối, mặt mũi râu vẩy luộm thuộm, không còn sự oai phong hô phong hoán vũ…

Chúng tôi đem những thắc mắc trên hỏi chuyện họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Thành buồn rầu cho biết, mặc dù yếu tố mỹ thuật chiếm đến hơn 30% tại các di tích kiến trúc cổ, nhưng chưa bao giờ Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm được tham gia góp ý hay được hỏi ý kiến về việc này. “Tại sao không tận dụng trí tuệ của những nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ mà lại loại họ ra ngoài cuộc”- ông Vi Kiến Thành đặt câu hỏi. Trở lại câu chuyện về những bức bình phong mang hình “quái thú”, ông Vi Kiến Thành cho biết thêm, khi xây mới một hạng mục nào đó trong di tích có yếu tố mỹ thuật buộc phải có hình ảnh cụ thể tạo thị giác chứ không thể duyệt trên hình ảnh là bản vẽ đơn thuần. Duyệt trên hồ sơ cho một công trình mang tính mỹ thuật chưa bao giờ đủ. Điều đó có nghĩa, mọi người chỉ nắm được nội dung, không hiểu được hình thức. Và để ra đời những con thú xấu xí kia, ông Thành khẳng định là do chưa đánh giá đúng vai trò của mỹ thuật.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên thì kể, ông từng được một vài người bạn cho xem hình “thú lạ” trấn bình phong ở vài di tích trên địa bàn Hà Nội, cảm giác của ông lúc đó là choáng váng và không hiểu tại sao lại có thể tồn tại những bức phù điêu xấu xí và vô duyên đến thế ở một di tích vừa có giá trị tín ngưỡng vừa mang giá trị mỹ thuật, kiến trúc. Việc để một ai đó tự ý đem xi măng ra đắp, tô vẽ xanh đỏ bằng sơn công nghiệp, rồi mặc nhiên công nhận con vật đó, bức phù điêu đó như một thành tố bất biến, một di vật trong di tích là chuyện hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đáng trách hơn là vai trò của người trông coi di tích, vai trò của chính quyền sở tại cũng như các nhà quản lý di sản. Trình độ nhận thức, năng lực quản lý non kém, hay là “buông bỏ” kiểu sống chết gì cũng mặc?

Họa sĩ Lê Đình Nguyên nhấn mạnh, cái đẹp của các công trình mỹ thuật, kiến trúc cổ của Việt Nam nằm trong sự giản dị về màu sắc, thô mộc tạo tác. Cha ông ta rất tinh tế khi sử dụng màu sắc để trang trí từ chính thiên nhiên như: nhựa cây, hoa lá, gạch non, vỏ sò… Thế mà nay, thấy màu sơn tượng kém rực rỡ, nhiều nhà quản lý, nhiều người trông nom di tích hồn nhiên lôi sơn công nghiệp ra quét. “Bi kịch hơn nữa còn là chuyện thuê được anh thợ vụng, làm gì đình đền chùa chả đầy rẫy quái thú”- họa sĩ Lê Đình Nguyên bức xúc.

Nói như họa sĩ Vi Kiến Thành thì Công văn số 2662 của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh Triển lãm yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được ban hành gần đây cũng là chuyện “cực chẳng đã”. Ông Thành nhấn mạnh, nội dung tinh thần của công văn không chỉ nhằm vào sư tử đá ngoại lai mà đối tượng chính còn là những hình “linh thú” xấu xí và cực kỳ phi thẩm mỹ kia đang tồn tại và được gọi chung với tên “linh vật”.

Theo quan niệm xưa, việc xây dựng bình phong phải được làm cẩn thận và chu đáo. Bởi lẽ, ngoài ý nghĩa về phong thủy, đó còn là công trình trang trí. Các đề tài trang trí trên bình phong cũng đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là những con vật trong Tứ linh, gồm long (rồng) - lân - quy (rùa) - phượng. Tại các đình làng, các am miếu dân gian, hình tượng long mã hay hổ cũng được sử dụng rất nhiều trên bình phong.