Đẩy nhanh việc đưa cảng biển phục vụ du lịch

ANTĐ - Dù có đường bờ biển dài hơn 3.000km, nhưng đến nay chúng ta chưa có cảng biển dành cho du lịch. Đây là thực tế cho thấy sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng đang làm chậm tốc độ phát triển du lịch biển, vốn đang được coi là mũi nhọn của du lịch Việt Nam. 

Tàu biển quốc tế đang đưa hàng nghìn du khách đến Việt Nam 

Lỡ cơ hội đón khách

Quảng Ninh từ lâu vốn được coi là thị trường trọng điểm trong chiến lược khai thác, phát triển loại hình du lịch biển, với việc sở hữu các vùng biển đẹp như vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, Tuần Châu, Cô Tô... Đây cũng là điểm dừng chân quan trọng của nhiều hãng tàu biển nổi tiếng của thế giới như Star Cruises, Costa, Silver Sea, Seaborn... Trong đó, chỉ riêng Saigontourist, đơn vị lữ hành đi đầu trong khai thác du lịch tàu biển trong vòng 6 tháng có thể liên tục đón 25 chuyến tàu hạng sang SuperStar Virgo của hãng Star Cruises đến Quảng Ninh, mang theo trung bình 2.600 du khách/chuyến. Như vậy, chỉ tính riêng con tàu này đã đem đến cho tỉnh Quảng Ninh lượng khách là 65.000 người - một con số đáng ao ước, nếu so với việc đi bằng đường hàng không, trong bối cảnh số lượng du khách quốc tế có dấu hiệu sụt giảm ở một số thị trường trọng điểm. 

Tuy nhiên, trái ngược tiềm năng khai thác khách du lịch tàu biển lớn như vậy, Quảng Ninh vẫn chưa có hệ thống cảng du lịch chuyên dụng để đón khách quốc tế. Hầu hết các cảng có thể đón khách du lịch bằng tàu biển đều sử dụng chung với tàu container, hàng hóa. Việc đón khách không thể thực hiện trực tiếp tại cảng mà vẫn qua khâu trung chuyển bằng các tàu nhỏ vào bờ. Điều này không những làm cho việc vận chuyển khách trở nên bất tiện và tốn kém, mà ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo điều kiện cho khách được lưu trú lâu dài. Hơn nữa, điều này tạo nên hình ảnh không mấy hấp dẫn về du lịch biển đối với các du khách quốc tế khi đến với Quảng Ninh. Trong những năm qua, số lượng du khách đến vịnh Hạ Long và các địa danh khác tại Quảng Ninh trên những chiếc du thuyền trọng tải lớn ngày càng tăng cao, thì việc có kế hoạch đầu tư xây dựng cầu cảng hiện đại càng không thể chậm trễ, nếu chúng ta không muốn mất đi cơ hội đón những đoàn khách lớn từ các hãng tàu biển uy tín trên thế giới. 

Không chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh, việc không có cảng chuyên dụng cho du lịch cũng là vấn đề đáng lưu tâm cho các địa phương vùng ven biển, nếu muốn đem lại những dịch vụ du lịch chất lượng cao.   

Sẽ có cảng du lịch hiện đại

Ngày 24-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong số 6 nhóm cảng được quy hoạch từ Bắc vào Nam, một số cảng đã được phê duyệt để phục vụ cho hoạt động du lịch như cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), bến Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), bến Tiên Sa (Đà Nẵng), bến cảng Đầm Môn và bến cảng Nha Trang (Khánh Hòa), bến tàu du lịch Sao Mai - Bến Đình (TP.HCM)… có khả năng đón và tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế có trọng tải từ 50.000 đến 100.000 GT.

Theo ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Bộ đã mời những hãng tàu biển lớn trên thế giới đến khảo sát những tuyến trên biển và nhận được đánh giá cao về tiềm năng du lịch tàu biển Việt Nam. Theo khảo sát của các đoàn quốc tế và Bộ VH-TT&DL thì cảng Chân Mây của Thừa Thiên Huế được đánh giá rất khả quan. Hiện nay, Tổng công ty du lịch Saigontourist đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh việc xây dựng cảng Chân Mây trở thành cảng du lịch đón những chuyến tàu lớn trên thế giới. Rất có thể, đây sẽ là một trong những cảng du lịch đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Cùng với việc xúc tiến quảng bá du lịch biển, sản phẩm du lịch đặc thù, mở rộng thị trường đón khách quốc tế, thì đây cũng là một trong những động lực lớn để phát triển du lịch biển đảo, vốn đang là “thương hiệu” của du lịch Việt Nam.