Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Giải pháp tháo gỡ quyết liệt

ANTĐ - Để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP với nhiều giải pháp hết sức quyết liệt. Theo các chuyên gia, Nghị quyết sẽ giúp giải quyết được vướng mắc lớn nhất bấy lâu nay là việc doanh nghiệp Nhà nước không được phép thoái vốn dưới mệnh giá.
Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Giải pháp tháo gỡ quyết liệt ảnh 1
Tự tìm cách bán phần vốn, thậm chí dưới mệnh giá là một trong 4 cách
để doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn
(Trong ảnh: Một phiên đấu giá cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước)


Được thoái vốn dưới mệnh giá
Ngày 6-3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/2014/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước. Nghị quyết yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước phải quyết liệt thực hiện các biện pháp thoái vốn, thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa. Trường hợp không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch thì doanh nghiệp đó phải báo cáo trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan xử lý chậm quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước chậm thoái vốn cũng phải chịu trách nhiệm. Cụ thể, Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định. Chính phủ giữ nguyên thời hạn cuối phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước là 31-12-2015. Không chỉ làm rõ về lộ trình thoái vốn, với Nghị quyết 15 ra đời, các cách thức để thoái vốn cũng được Chính phủ quy định rõ hơn. Về nguyên tắc thoái vốn, Nghị quyết nêu rõ là bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch, hiệu quả. Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng không thu hồi đủ giá trị vốn ghi trên sổ sách thì thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng giảm giá đầu tư tài chính và lập phương án thoái vốn trình cấp có thẩm quyền.  Đối với hoạt động thoái vốn ngoài ngành, các doanh nghiệp được phép thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.Doanh nghiệp nắm phần chủ động
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 được xem là giải pháp tháo gỡ hết sức quyết liệt dành cho các doanh nghiệp Nhà nước đang mắc kẹt với các khoản vốn đầu tư ngoài ngành. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định: “Lâu nay vấn đề thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu tắc bởi yêu cầu bảo đảm an toàn nguồn vốn. Nên có thể xem Nghị quyết 15 đã mở thông thoáng hơn giúp giải quyết ách tắc này”. Với phần vốn ngoài ngành của doanh nghiệp Nhà nước tại các công ty đầu tư tài chính, ngân hàng hiện nay sẽ có tới 4 cách thức để thoái vốn. Thứ nhất, doanh nghiệp Nhà nước có thể tự tìm cách bán phần vốn, thậm chí dưới mệnh giá. Thứ hai, ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ mua lại. Thứ ba, chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thứ tư là để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua lại. Như vậy, có thể thấy, các hình thức thoái vốn được sắp xếp theo hướng cho phép doanh nghiệp nắm phần chủ động nhiều nhất. Theo các chuyên gia, cách thức ưu tiên và cũng là tốt nhất lúc này là doanh nghiệp tự bán phần vốn của mình. Bởi thị trường gần đây đang có dấu hiệu ấm lại, hơn nữa quy định cho phép bán dưới mệnh giá được áp dụng sẽ là cơ sở hết sức thuận lợi.  Trong trường hợp thoái vốn không thành công sau khi thực hiện các biện pháp, Chính phủ giao SCIC xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty 100% vốn Nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng. Giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giảm giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm thông báo cho SCIC xem xét mua lại các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực trên. Tại thời điểm tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng khoản đầu tư cho SCIC nếu chưa trích lập hoặc trích lập chưa đủ khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm trích lập bổ sung khoản dự phòng theo quy định.