Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Còn 17.655 tỷ đồng phải thu về

ANTĐ - Theo thống kê của Bộ Tài chính, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã sử dụng gần 22 nghìn tỷ đồng để đầu tư ngoài ngành, chủ yếu là ở lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và ngân hàng. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã trở nên bức thiết nhằm tái cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực.

Chứng khoán, bất động sản xuống giá khiến quá trình thoái vốn
ở một số công ty Nhà nước gặp khó khăn

Sức mạnh bị phân tán

Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, trong giai đoạn 2011-2013, 180 doanh nghiệp đã được sắp xếp lại, giúp các doanh nghiệp này tập trung hơn vào những lĩnh vực kinh tế quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Tuy nhiên, vấn đề đang được đặt ra và nỗ lực giải quyết nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp là bắt buộc phải nhanh chóng thoái vốn đầu tư ngoài ngành. 

Nhìn lại hoạt động thoái vốn trong giai đoạn 2011-2013 thì thấy, tổng số vốn các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện là 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính, đạt 19%. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là một con số còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, 81%, tương đương hơn 17.655 tỷ đồng vốn của các doanh nghiệp này vẫn đang nằm trong các lĩnh vực không thuộc phạm vi ngành nghề kinh doanh chính. 

Mặc dù yêu cầu thoái vốn đối với các doanh nghiệp Nhà nước phải hoàn tất trước năm 2015, nhưng nhìn vào thực tế việc thoái vốn gặp nhiều vướng mắc. Trong giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán, bất động sản khá trầm lắng, thậm chí đóng băng, giá trị của những khoản đầu tư của các doanh nghiệp theo đó cũng suy giảm theo. Trong khi, yêu cầu được đặt ra là phải đảm bảo an toàn nguồn vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Đây chính là nút thắt khiến quá trình thoái vốn thêm chậm trễ và thiếu quyết liệt. 

Có thể thấy rõ hơn vấn đề này khi xem xét quá trình thoái vốn tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Khoản đầu tư gần 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,13% vốn của Vinachem vào Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) đã không bán được qua đấu giá bởi thị giá cổ phiếu chỉ dao động từ 2.300 đến 2.600 đồng/cổ phiếu, trong khi giá được phê duyệt chuyển nhượng tối thiểu là 10.600 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là thực trạng tại rất nhiều doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, khiến cho quá trình thoái vốn dường như rơi vào bế tắc. 

Bộ Tài chính đánh giá: “Việc thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm mạnh thời gian qua đã khiến việc thoái vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, toàn bộ dự án đầu tư ngoài ngành chưa thể thoái vốn đều thuộc diện phải nhanh chóng thu hồi vào ngân sách nhà nước nhằm tập trung cho các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, qua đó giúp giảm bớt thua lỗ cho doanh nghiệp và giảm nhẹ gánh nặng nợ nần cho ngân sách”.

Cân nhắc thiệt hơn

Nhận xét về tiến trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định thoái vốn tương đối khắt khe. Trong tình hình kinh tế hiện nay, các khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp Nhà nước vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản khó có thể thu hồi toàn vẹn. 

Yêu cầu thoái vốn trước năm 2015 là bức thiết, điều này không chỉ được các cơ quan quản lý, chuyên gia mà cả các doanh nghiệp nhìn nhận thấu đáo. Nhưng theo một số doanh nghiệp, một số khoản đầu tư ngoài ngành đã, đang và sẽ đem lại hiệu quả, vì vậy nên xem xét cụ thể tránh gây lãng phí. 

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) nêu ví dụ: “BIDV có hai lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đang rất hiệu quả là dự án thủy điện tại Lào có tỷ suất lợi nhuận 10,8% và Công ty cho thuê máy bay có tỷ suất lợi nhuận là 18%. Cần có lộ trình và sự phân loại dự án, doanh nghiệp cụ thể chứ không nên cứng nhắc bắt buộc phải thoái vốn với bất kỳ giá nào, như thế chính là làm giảm hiệu quả đồng vốn đầu tư Nhà nước”.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, tới đây sẽ phân loại thoái vốn ngoài ngành theo lĩnh vực, dự án và có biện pháp cụ thể với từng loại dự án. Dự án càng để càng mất vốn thì phải bán nhanh hơn. Trường hợp không thoái vốn được thì có thể chuyển hoặc bán cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Chủ trương là không ép thoái vốn bằng bất cứ giá nào. Những khoản đầu tư đang hoặc sẽ có cơ hội cũng không phải vội vàng thoái vốn ngay.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thoái vốn hiệu quả và giảm thất thoát, quan trọng là phải công khai minh bạch. Cùng với đó, Chính phủ, mà đặc biệt là Bộ Tài chính phải có biện pháp kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra tiêu cực khi các doanh nghiệp thoái vốn.  

(Còn nữa)