Dạy nghề đi về đâu?

ANTD.VN - Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là năng suất lao động, thuộc hàng thấp nhất trong vùng trũng khu vực so với các nước như Thái Lan, Singapore, chỉ đứng trên Lào. Thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn tồn tại từ bao năm nay dẫn đến hậu quả đáng lo ngại là “thầy” thất nghiệp hàng trăm nghìn người, còn “thợ” thì không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, công ty, đặc biệt là các liên doanh, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống trường dạy nghề nước ta sẽ đi về đâu? 

Câu hỏi này càng trở nên bức xúc khi lợi thế nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam đang mất dần, thậm chí trở thành yếu thế. Trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt con số kỷ lục trong 10 năm qua, đóng góp đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP.

Tuy nhiên, đằng sau kỳ tích đáng mừng này cũng bộc lộ mặt trái. Lực lượng lao động trong khu vực hầu hết gia công, lắp ráp theo dây chuyền trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày…, chủ yếu mang tính lấy công làm lãi, trong khi trình độ tay nghề, khả năng sáng tạo, sử dụng công nghệ hiện đại cũng như kỹ năng, tính chuyên nghiệp hầu như không được cải thiện, nâng cao. Không ít doanh nghiệp sau khi tuyển dụng lao động lại phải bỏ tiền đào tạo, nâng cấp. Khoảng cách từ cổng trường dạy nghề đến cửa doanh nghiệp dường như ngày càng rộng, sâu hơn. 

Mặc dù đã có một số trường dạy nghề liên kết với một số doanh nghiệp đào tạo lao động theo đơn đặt hàng, đảm bảo nhân lực “ra lò” có công ăn, việc làm chắc chắn, triển vọng phát triển sáng suốt. Tuy nhiên, đây chỉ là “hiện tượng”, chưa phải một xu hướng. Bởi nhìn vào thực trạng các cơ sở đào tạo nghề trên cả nước không khỏi “giật mình” về sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tình trạng học “chay” vẫn là phổ biến. Chưa kể, đội ngũ giáo viên “giật gấu vá vai”, “chạy sô” trong những trường lớp tạm bợ.

Trong khi đó, chương trình, giáo án giảng dạy chậm thay đổi, không theo kịp tiến độ phát triển công nghệ đang diễn ra từng ngày. Cũng dễ hiểu vì sao, đến nay đào tạo nghề vẫn theo lối mòn: Thị trường cần thì không có, ngược lại, thị trường không cần lại thừa thãi. 

Nghịch lý này phải thay đổi ngay và triệt để trước “làn sóng” chuyển dịch nguồn nhân lực diễn ra sôi động trong ASEAN, khi người lao động rất dễ bị đẩy ra ngoài lề nhường chỗ cho robot, công nghệ 4.0. Trao quyền tự chủ cho các trường dạy nghề trong cơ chế thị trường cũng như trao quyền tự chủ cho các trường đại học không chỉ là đòi hỏi cấp bách mà còn là định hướng lâu dài. Trả lời câu hỏi dạy nghề đi về đâu tức là tìm được giải pháp cho vấn đề nguồn nhân lực nước ta chất lượng sẽ như thế nào trong cuộc cạnh tranh thị trường lao động gay gắt.