Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành điện

ANTĐ - Bên lề kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi với báo chí xung quanh bài toán khắc phục tình trạng thiếu điện phục vụ đời sống và sản xuất.

- Phóng viên: Tổng sơ đồ quy hoạch điện VII khó cán đích đúng thời hạn do thiếu vốn nên tình trạng thiếu điện vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, thưa Phó Thủ tướng?
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tổng sơ đồ quy hoạch điện VII đúng là khó khăn hơn quy hoạch điện VI. Khó khăn lớn nhất chính là việc huy động vốn và trong điều kiện hiện nay trở ngại này còn phức tạp hơn trước. Việc thiếu vốn không chỉ do nền kinh tế của mình khó khăn mà kinh tế cả thế giới cũng gặp khó. Quy hoạch điện VI chưa áp ứng được nhu cầu phát triển hàng năm (khoảng 3.780MW) nên dẫn đến thiếu hụt điện. Đến giai đoạn này, theo quy hoạch điện VII, nhu cầu đã là 5.000 MW/năm nên đây là bài toán rất nan giải, thách thức càng lớn hơn.
- Phát triển sản xuất điện rất quan trọng nhưng vẫn cần tái cơ cấu việc phân phối điện để thị trường phát triển lành mạnh và thu hút đầu tư mạnh vào lĩnh vực này?
- Đúng như vậy. Nhiệm vụ tái cơ cấu ngành điện vẫn đang tích cực triển khai. Thời gian tới, các tổng công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đẩy mạnh bán điện cạnh tranh. Đồng thời, tiến tới cổ phần hóa các tổng công ty. Tuy nhiên, các bước tái cơ cấu phải rất khoa học, đồng bộ. Có điều, nếu bắt tay vào cải cách quá nhanh thì không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện. Không phải Chính phủ muốn duy trì độc quyền cho EVN mà vấn đề đang mắc ở đây là muốn giảm dần độc quyền về điện thì phải tăng yếu tố thị trường, việc này đang khó.

Cần đầu tư đúng cách để đảm bảo điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất

- Còn một vấn đề khác cũng rất quan trọng là chính sách giá hiện nay chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư bên ngoài?
- Tư nhân chỉ sẵn sàng dốc túi đầu tư vào sản xuất và kinh doanh điện khi có cơ chế giá chịu được. Khi người ta vào rồi thì vai trò Nhà nước mới dần dần giảm đi chứ rút luôn thì lấy gì cung cấp điện. Đó là những vấn đề mà quy hoạch điện VII đặt ra. Nhưng như đã nói, quy hoạch điện VII chắc chắn khó khăn hơn quy hoạch điện VI rất nhiều. Nhu cầu phải đáp ứng cao hơn, vốn nhiều hơn vì giá đã lên một mặt bằng mới. Điều này khiến chi phí đầu tư một nhà máy điện cao hơn dẫn tới khả năng thu hút vốn khó hơn nữa. Nhưng nếu có cơ chế, chính sách thu hút được thì lại mở ra thị trường, mở ra cơ chế điều chỉnh giá điện để giá gần tiếp cận với thị trường. Đó là lời giải cho bài toán khó về vốn. Nhưng thành công hay không còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
- Việc thiếu điện xuất phát một phần do các dự án của quy hoạch điện VI triển khai rất chậm. Quy hoạch điện VII có khắc phục được những tồn tại này không?.
- Chậm tiến độ các dự án điện có rất nhiều nguyên nhân, vì thế phải làm rõ để có biện pháp khắc phục. Ở đây, tôi muốn nói đến nguyên nhân lớn là thiếu vốn. Đúng là thực hiện quy hoạch điện VII sẽ không dễ. Muốn nguồn vốn bảo đảm triển khai các dự án thì cần phải năng động hơn, căn cơ hơn. Yếu tố quan trọng thứ hai là về giá. Vừa rồi đã có điều chỉnh cơ chế giá và việc này sẽ tạo điều kiện cho việc thu hút vốn tốt hơn, đặc biệt là từ các nhà đầu tư tư nhân.
Cùng với đó, việc chuẩn bị đầu tư, các thủ tục trình tự cũng phải tiếp tục cải cách. Vừa qua có chuyện một số chủ đầu tư năng lực yếu, làm GPMB chậm dẫn đến dự án chậm tiến độ. Trong quy hoạch điện VII, phải đột phá về cơ chế chính sách và từng công việc cụ thể trong GPMB... Cần mạnh dạn “mở” cơ chế cho phép chủ đầu tư ứng vốn ra làm sớm hơn thì sẽ rút ngắn được tiến độ nhiều dự án từ 1,5-2 năm, trong trường hợp đủ vốn.

 123,8 tỷ USD phát triển điện lực

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194 - 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 - 362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695 - 834 tỷ kWh. Quy hoạch xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Quy hoạch cũng ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp. Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD). Trong cả giai đoạn 2011 - 2030, nhu cầu đầu tư khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD).                    

Khánh Anh