Đẩy mạnh răn đe qua xét xử lưu động

ANTĐ - Góp phần trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, thời gian qua, nhiều vụ án đã được TAND các cấp đưa ra xét xử lưu động, người dân được tận mắt chứng kiến những hành vi phạm tội của các bị cáo, bị pháp luật trừng trị bằng một bản án nghiêm khắc. Việc làm này đã có sức ngăn chặn răn đe rất cao.

Thẩm phán Hoàng Mạnh Hùng - Chánh án TAND quận Cầu Giấy cho biết, trong những năm qua, TAND Cầu Giấy đã tổ chức được nhiều phiên tòa xét xử lưu động, góp phần tích cực phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Riêng năm 2011, TAND Cầu Giấy đã đưa ra xét xử được gần 50 vụ án với 64 bị cáo. Tập trung xét xử lưu động chủ yếu các nhóm tội như: cướp, cướp giật tài sản, ma túy, mại dâm, chống người thi hành công vụ… phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Có thể thấy, mục đích của việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động là tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời, thông qua phiên tòa lưu động thì các thẩm phán, hội thẩm nhân dân và người tham gia tố tụng đã tích cực phổ biến tuyên truyền pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân.

Nguyên thẩm phán TAND TP Hà Nội, bà Hoàng Thị Yến chia sẻ, đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thiết thực đến với người dân.  Giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù nhất và quan trọng nhất của tòa án. Bằng thái độ khách quan, nghiêm túc của thẩm phán trong quá trình xét hỏi hay trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong tranh luận để tìm ra sự thật của vụ án cũng như đảm bảo đầy đủ, đúng yêu cầu các nguyên tắc của quá trình xét xử làm cho những người tham gia tố tụng và đông đảo người dân tham dự phiên tòa có thái độ đúng đắn với những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục họ ý thức tuân thủ các quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để có những phiên tòa xét xử lưu động thành công thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng như thời gian, địa điểm, các phương án bảo vệ và phải tốn nhiều kinh phí hơn. Bên cạnh đó, có những thẩm phán cũng ngại xét xử lưu động vì họ biết chắc chắn rằng khi xét xử lưu động có rất nhiều người dân sẽ tham gia và sẽ bị giám sát rất chặt chẽ mọi hành vi của thẩm phán trong quá trình xét xử.