Đẩy lùi dấu hiệu bất thường trên thị trường nước mắm

ANTD.VN - Ngày 23-10, theo khảo sát của phóng viên Báo An ninh Thủ đô tại một số siêu thị, cửa hàng tạp hóa và các chợ, hoạt động kinh doanh nước mắm không có gì xáo trộn. Nước mắm truyền thống vẫn được bày bán bình thường. Dù vậy, nhìn lại sự xáo động trên thị trường nước mắm vừa qua, dư luận cho rằng có nhiều dấu hiệu bất thường nhằm hạ bệ nước mắm truyền thống.

Đẩy lùi dấu hiệu bất thường trên thị trường nước mắm ảnh 1

Ngày 23-10, các loại nước mắm truyền thống đã bày bán trở lại tại siêu thị Fivimart Thái Thịnh

Nước mắm truyền thống đã trở lại kệ

Tại hệ thống siêu thị đã từng dỡ bỏ nhiều loại nước mắm truyền thống cách đây vài ngày là Fivimart, ngày 23-10, siêu thị Fivimart trên đường Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bày bán trên kệ các loại nước mắm truyền thống với các thương hiệu như: Ông Kỳ, Nguyễn Nghiêm Nha Trang, Tâm Đức, Thủy Sản 42, Cát Long Phú Quốc, Hằng Hải, Cát Hải…

Các loại nước mắm này có giá khá cao, có loại lên đến gần 200 nghìn đồng/chai. Trong khi đó, một số thương hiệu nước mắm công nghiệp có giá thấp hơn nhiều, khoảng 13-35 nghìn đồng/chai. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart khẳng định, ngay sau khi có thông tin asen hữu cơ không có vấn đề gì, chúng tôi đã đưa nước mắm truyền thống lên kệ bán bình thường.

Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, hàng loạt thương hiệu nước mắm độ đạm cao như Hạnh Phúc, 584 Nha Trang, Hưng Thịnh, Phú Quốc, Thuận Phát… vẫn được bày bán. Tại siêu thị Lotte trên đường Tây Sơn, hay BigC Thăng Long trên đường Trần Duy Hưng, nước mắm truyền thống cũng được bày bán khá đa dạng.

Đại diện siêu thị BigC Thăng Long cho biết, từ thời điểm Vinastas công bố thông tin đến thời điểm hiện tại, việc kinh doanh nước mắm của hệ thống siêu thị này vẫn diễn ra bình thường. “Các sản phẩm nước mắm được bày bán tại siêu thị BigC đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm với đầy đủ hồ sơ đúng theo yêu cầu về quản lý Nhà nước.

Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và theo sát hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước để có kế hoạch ứng xử phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà cung cấp” - ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng siêu thị BigC cho biết.

“Nhìn chung, lượng tiêu thụ của chúng tôi không có gì thay đổi. Ngày hôm qua đã có thông tin chính thức là nước mắm an toàn nên không còn ai thắc mắc gì” - chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) cho biết.

Hại nhau bằng chiêu bẩn?

Đến nay, dư luận vẫn rất bức xúc và đặt câu hỏi liệu có hay không một kế hoạch truyền thông bất minh nhằm hạ bệ nước mắm truyền thống. Nghi vấn này không phải không có lý khi xâu chuỗi hàng loạt sự việc liên quan đến vấn đề này. 

Vinastas rất sốt sắng trong việc công bố các thông tin về chất lượng nước mắm và chỉ 1 tuần sau đó, một tập đoàn sản xuất lớn đang sở hữu 2 thương hiệu nước mắm công nghiệp đưa ra thông điệp quảng cáo “đạt chuẩn an toàn thạch tín”.  Ngay tại buổi công bố thông tin của Vinastas, dù đại diện cơ quan này khăng khăng không công bố danh sách cụ thể các doanh nghiệp có sản phẩm nước mắm “bị nhiễm asen”.

Tuy nhiên, ngay tối hôm đó, danh sách này đã bị “rò rỉ” và lan tràn trên mạng, gây hoang mang cho người tiêu dùng và tạo ra sự bất bình lớn của dư luận. Trước đó, ngày 10-10, trong văn bản gửi Bộ Y tế, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế và Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo “thanh tra toàn diện việc tuân thủ quy định về giới hạn kim loại nặng trong thực phẩm, đặc biệt là asen (thạch tín) trong nước mắm”. 

Những dấu hiệu bất thường càng dày thêm khi một Facebooker nổi tiếng đã trưng ra email (thư điện tử) mà theo chị được gửi đến từ một đơn vị bảo vệ người tiêu dùng, “đặt hàng” chị công bố nhận định về sự mất an toàn của nước mắm truyền thống. Không chỉ Facebooker này, nhiều người có ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền thông và an toàn thực phẩm cũng được mời công bố thông tin tương tự.

Nước mắm truyền thống chịu nhiều o ép

Theo ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội), câu hỏi có hay không một chiến dịch cạnh tranh không lành mạnh để hạ bệ nước mắm truyền thống cần được các cơ quan quản lý Nhà nước, mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vào cuộc và sớm có câu trả lời. “Tôi nhấn mạnh là nước mắm công nghiệp hay nước mắm truyền thống đều không có vấn đề gì, quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phải cạnh tranh lành mạnh”. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, nước mắm truyền thống vốn đã chịu nhiều o ép, nhất là khi muốn đặt chân vào siêu thị. Hiện nay, trong các siêu thị vẫn đa phần là nước mắm công nghiệp, chiếm tới 76% thị phần. Nguyên nhân bởi nước mắm công nghiệp giá rẻ, do độ đạm thấp hơn.

Không chỉ có thế, nước mắm truyền thống khi vào siêu thị còn phải chịu khoản chi phí không chính thức không hề nhỏ. “Một số doanh nghiệp nước mắm than với tôi là chỉ có thể vào được các siêu thị nhỏ, còn vào siêu thị lớn chi phí cho siêu thị lên đến 30% giá thành. Một chai nước mắm truyền thống giá lên đến hàng trăm nghìn đồng, mất 30% để lên kệ, thử hỏi lợi nhuận còn được bao nhiêu? Trong khi nước mắm công nghiệp chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn một chai” - ông Vũ Vinh Phú nói.