Đẩy lùi “căn bệnh thế kỷ”

ANTĐ - Nhân loại tiến tới kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống AIDS 2011 (1-12) với những thông tin rất đáng khích lệ trong cuộc chiến đầy gian khó và lâu dài nhằm đẩy lùi “căn bệnh thế kỷ” khi số người nhiễm HIV cũng như tử vong do AIDS cùng giảm kỷ lục.

Sinh viên ở thành phố Chandigarh phía bắc Ấn Độ xếp hình biểu tượng phòng chống HIV/AIDS

Theo Báo cáo Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2011 của Chương trình Phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), số người nhiễm mới HIV và tử vong do các nguyên nhân liên quan đến AIDS đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Cụ thể, kể từ năm 1997 tới nay, số ca nhiễm mới HIV giảm 21%. Hiện nay số người tử vong do AIDS cũng giảm 21% so với năm 2005.

UNAIDS và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng có được kết quả tích cực trên là do ngày càng nhiều người được tiếp cận điều trị phương pháp mới. Khoảng 6,6 triệu người trong số 14,2 triệu người nhiễm HIV ở các nước có thu nhập trung bình và thấp đã được tiếp cận phương pháp điều trị kháng virus ART năm 2010, tăng 1,35 triệu người so với năm 2009. Điều này giúp những người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống hơn và số người tử vong do AIDS giảm từ 2,2 triệu (năm 2005) xuống 1,8 triệu (năm 2010).

Làm sao để những người mắc HIV/AIDS được tiếp cận thuốc là nỗ lực lớn lao và bền bỉ của thế giới trong nhiều năm qua. Tài trợ của những nước giàu và quỹ của các nhà hảo tâm... đã nâng vốn đầu tư phòng chống HIV/AIDS của các nước thu nhập trung bình và thấp tăng gần 10 lần từ 1,6 tỷ USD lên 15,9 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2009.

Tuy nhiên chính vào thời điểm mà cuộc chiến phòng chống “căn bệnh thế kỷ” đã từng cướp đi sinh mạng gần 30 triệu người kể từ năm 1981 đang có những tiến triển khích lệ lại xuất hiện thông tin đáng báo động. Đó là ngân sách mà các chính phủ đóng góp cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2010 đã giảm xuống 6,9 tỷ USD so với hơn 7,6 tỷ USD năm 2009.

Việc giảm ngân sách đang là mối đe dọa tới hiệu quả của cuộc chiến chống HIV/AIDS trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo và cũng là nơi có tỷ lệ lây nhiễm đáng lo ngại nhất. Sau khi khẳng định sức mạnh của cam kết chính trị và tài chính vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS trong 30 năm qua, Giám đốc Tổ chức các nhà quản lý quỹ liên quan đến AIDS (FCAA) John Barnes đã nhấn mạnh, mỗi USD bị mất đi có thể dẫn đến nhiều ca nhiễm HIV mới, nhiều sinh mạng bị cướp đi và làm ngưng trệ phản ứng của thế giới đối với căn bệnh thế kỷ này.

Để có thể tránh được 12,2 triệu ca nhiễm mới HIV và 7,4 triệu ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS từ năm 2011 đến năm 2020, UNAIDS kêu gọi thế giới phải huy động được 22-24 tỷ USD mỗi năm cho quỹ phòng chống HIV/AIDS. UNAIDS cho rằng, đầu tư mang tính chiến lược từ hôm nay không chỉ cứu được nhiều người, mà còn tiết kiệm được nguồn chi phí điều trị khổng lồ trong tương lai.