Dậy lên tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Miền Trung đang trải qua những ngày khốn khó và đau buồn khi thiên tai ập xuống nhấn cả dải đất gánh hai đầu Tổ quốc chìm trong biển nước. So với những lần “đại hồng thủy” lịch sử từng càn qua khúc ruột miền Trung trước đây, trận thiên tai lần này có mức độ tàn phá khủng khiếp hơn nhiều. Trong chớp mắt, nhiều người mất người thân, mất nhà, sự sống “ngàn cân treo sợi tóc”. Mất mát ấy, không gì có thể bù đắp nổi!
Những chiếc thuyền của lực lượng cứu hộ hoạt động hết công suất để đưa người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn

Những chiếc thuyền của lực lượng cứu hộ hoạt động hết công suất để đưa người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn

Nhưng cũng chính giữa mưa lạnh và giá rét, giữa tang thương đau buồn ấy, ngọn lửa tình người được thắp lên khắp muôn nơi, những yêu thương được nối dài, vỗ về và sẻ chia với nỗi đau của mảnh đất vốn chịu nhiều thiệt thòi, cơ cực. Hơn lúc nào hết, người Việt dù ở trong hay ngoài nước đều đau đáu nỗi niềm hướng về khúc ruột miền Trung đang oằn mình chống đỡ thiên tai khắc nghiệt.

Người dân miền Trung xưa nay vốn quen với thời tiết khắc nghiệt, đã nắng hạn thì cháy da bỏng thịt, còn mưa giông thì xối xả, song lần này vẫn không khỏi bàng hoàng với cơn thịnh nộ mà mẹ thiên nhiên trút xuống. Bão chồng bão, lũ chen lũ khiến hàng trăm nghìn hộ dân ở “rốn lũ” miền Trung khốn khổ. Nước dâng cuồn cuộn, hung hãn như muốn cuốn phăng mọi thứ, chỉ còn những giọt nước mắt lăn dài trên biết bao gương mặt khắc khổ, gầy guộc; những cánh tay giơ lên cầu cứu; những ánh mắt thảng thốt đầy bất lực; những mái nhà ngói lô nhô chấp chới trên mặt nước...

Ngay khi dải đất miền Trung oằn mình gánh chịu tai ương, tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt ở khắp muôn nơi lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Miền Trung không đơn độc!

Đúng!... Bởi những chiếc thuyền, cano của lực lượng cứu hộ hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, rẽ bão vượt lũ để đưa người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và cung cấp thức ăn, nước uống cho các hộ dân đang bám trụ ở vùng lũ. Nhiều ngư dân quyết định dùng thuyền đi biển của mình để cùng đội cứu hộ nhanh chóng cứu người.

Nhiều chủ xe tải tự nguyện vận chuyển những chiếc thuyền này vượt qua những bàu cát mênh mông để đến được tâm lũ. Có cả những “biệt đội” cano đặc biệt do người dân ở các tỉnh, thành lân cận lập nên, được gọi là “biệt đội cano 0 đồng” làm nhiệm vụ giải cứu người dân gặp nạn và cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu vào những nơi bị lũ lụt nặng nề. Những con đường quốc lộ đổ về khúc ruột miền Trung nườm nượp những chuyến xe nghĩa tình chở theo đồ ứng cứu của người dân khắp cả nước.

Tại Quảng Bình, các chiến sĩ huy động tối đa lực lượng để đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt

Tại Quảng Bình, các chiến sĩ huy động tối đa lực lượng để đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt

Thương xót vô cùng!

Cùng với các hoạt động cứu hộ, cứu trợ của chính quyền các cấp, nhiều nhà hảo tâm, nhất là những nghệ sĩ, người nổi tiếng đã không chỉ đóng góp sức của mà còn cả sức người, sẵn sàng xông vào vùng tâm lũ để giúp đỡ đồng bào.

Trong số này phải kể đến ca sĩ Thủy Tiên. Không sinh ra hay lớn lên ở mảnh đất miền Trung nhưng chứng kiến từ xa cảnh mưa lũ đổ ập xuống mảnh đất này, Thủy Tiên quyết định lên đường với suy nghĩ “người ta đang hết thức ăn, nước uống, lúc đói khổ mới cần mình, mình cứ đi giúp thôi, công việc gác lại sau”. Và cô ca sĩ trẻ - người của công chúng đã làm được một việc có thể nói là phi thường, không chỉ bởi chưa đầy một tuần mà cô kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung, mà còn bởi sự can đảm khi có mặt lúc đỉnh lũ, xông vào giữa tâm lũ để trao từng thùng mì, gói bánh, hộp sữa, lọ thuốc… và cả tiền để hỗ trợ họ giữa lúc khốn khó nhất…

Không chỉ có Thủy Tiên, mà rất nhiều nghệ sĩ khác như NSƯT Hoài Linh, nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Mỹ Tâm, Mỹ Lệ, Hòa Minzy, Hồ Việt Trung… cũng đã kêu gọi cộng đồng chung sức để giúp đỡ người dân miền Trung, không quản ngại đường sá xa xôi, mưa bão, trực tiếp đến tận nơi để trao tặng các nhu yếu phẩm cần thiết, bao gồm cả quần áo ấm lẫn phao cứu sinh.

Những ngày này, không chỉ Hà Nội mà khắp nơi trên cả nước, bếp đều đỏ lửa. Cũng phải hơn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều nơi đã xếp củi, bắc bếp, hối hả gói bánh chưng. Thay vì mì tôm, người ta nghĩ đến việc cứu trợ thức ăn khác cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn, ăn no và có thể bảo quản được trong thời gian lâu hơn - đó là bánh chưng.

Vậy là mỗi người một chân một tay, người góp thịt, người góp gạo, người mang đỗ, người mang lá dong đến, chẳng ai bảo ai, gấp gáp hoàn thành từng chiếc bánh. Hàng chục nghìn chiếc bánh chưng đã được “ra lò” như thế bởi người dân La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và nhiều địa phương khác như Nghệ An, Đà Lạt, Bình Dương, TP.HCM… mà không để xác lập bất kỳ một kỷ lục Guinness nào. Có chăng, đó chỉ là kỷ lục về tình người giữa cơn hoạn nạn được tạo nên bởi truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

Tại nhiều địa phương khác không bị bão lũ, người dân ở làng trên xóm dưới cũng quây quần bên bếp lửa để dựng bếp thổi xôi, nấu hàng nghìn suất cơm chuyển vào tiếp tế cho nhân dân ở vùng lũ. Hình ảnh cụ già hơn 70 tuổi vừa ôm cháu, vừa giã lạc làm vừng khiến cư dân mạng không khỏi xúc động. Hình ảnh người dân cầm hộp xôi đứng ăn dưới trời mưa xối xả khiến con người ta không khỏi nghẹn ngào. Giữa lúc khó khăn nhất, câu chuyện về một hộ gia đình sống giữa tâm lũ chỉ xin nhận 3 suất cơm dù trong nhà có tới 5 người với suy nghĩ “để nhường cho người khác” chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều người phải nghĩ.

Ngọn lửa yêu thương, nhân văn và ấm áp đã được cả đất nước thổi bùng lên sưởi ấm người dân miền Trung giữa cái lạnh của mưa bão và lũ lụt như vậy đó. Tất cả đều cầu mong cho bão tan lũ rút, để rồi nhiều ngọn lửa tình người nữa sẽ tiếp tục được thắp lên để giúp người dân nơi đây dựng lại nhà, xây lại cầu cống, sửa lại đường sá… Hơn lúc nào hết, hai tiếng “ĐỒNG BÀO” vang lên thân thương, thiêng liêng và quá đỗi tự hào!