Dạy con kiểu phản khoa học

ANTĐ - Đón con sau giờ tan học, chị Phương Nga, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội hốt hoảng khi thấy con mếu máo mách lại bị bạn đánh. Xót con, chị Nga lớn tiếng: “Mẹ đã nói với con nhiều lần nếu bị bạn đánh thì phải đánh lại để lần sau bạn ấy sẽ không dám bắt nạt con nữa…”.

Dạy con kiểu phản khoa học  ảnh 1
Con trẻ cần được cha mẹ dạy bảo đúng cách để phát triển lành mạnh

Con đang ngoan thành hung hãn

Dường như dạy trẻ dùng “bạo lực” để đáp trả lại trong trường hợp bị bạn trong lớp bắt nạt giống như cách mà chị Nga dạy con ngày càng trở nên phổ biến. Không ít bậc phụ huynh cho rằng nếu con mình sợ khi bị bạn bắt nạt, không “phản pháo” lại sẽ khiến chúng không biết tự bảo vệ bản thân. “Nếu con bé bị bạn đánh một lần, thì chắc chắn sẽ có lần sau. Vì vậy, tôi đã dạy con đánh trả lại nếu bị bạn bắt nạt. Chẳng lẽ lại để con cả đời bị “ăn” đánh”, chị Nga thể hiện quan điểm. 

Hay như vợ chồng chị Thảo Trang, ở khu đô thị Nam Trung Yên có cô con gái tên Thảo Nhi, 6 tuổi khiến trẻ con hàng xóm phát sợ vì đanh đá và ghê gớm. Biệt danh “đầu gấu” mà mọi người đặt cho Thảo Nhi cũng chỉ vì cách dạy con của vợ chồng chị Thảo Trang là bạn nói xấu thì lườm bạn, bạn tranh giành đồ chơi, đồ ăn thì phải giành lại, bạn đánh hay đẩy thì đánh lại bạn. Thay vì nhắc nhở con phải biết nhường nhịn hay sống hòa thuận với bạn bè, có xích mích thì phải nói với cô giáo, thì vợ chồng chị Thảo Trang hướng dẫn con “giải quyết” bằng bạo lực. 

Tương tự trường hợp của chị Nga, chị Thu Hương, nhân viên kinh doanh một công ty liên doanh kể lại: “Một hôm đi học về cậu con trai 5 tuổi đang học mẫu giáo chạy vào phòng khóc thút thít. Tôi gặng hỏi cháu mới kể bị một cậu bạn trong lớp đấm vào ngực. Cháu bảo sẽ mách cô thì bị bạn doạ nếu mách cô giáo sẽ bị đánh nữa nên sợ quá cháu chỉ dám nói với mẹ. Mặc dù tôi đã đã dạy cháu: “Nếu bị bắt nạt, con phải thưa cô ngay” nhưng nghĩ lại nếu các bạn vẫn tiếp tục đánh con mình thì buộc phải dạy con tự vệ bằng cách đánh trả để bạn sợ lần sau không dám đánh nữa. Nhưng mới hôm qua, vừa đón cháu ở trường về tôi đã thấy một bên mắt con sưng to như quả ổi. Chưa kịp hỏi chuyện gì xảy ra, cháu đã nhanh mồm kể: “Hôm nay bạn Bin lại đánh con nên nghe lời mẹ dạy, con đã đánh lại bạn ấy như trong phim. Bạn đấm vào mặt con nhưng con đánh bạn ấy nhiều hơn. Cô giáo bảo như thế là không tốt nhưng mẹ dạy con phải đánh lại bạn mới chứng tỏ mình là người dũng cảm phải không ạ…”. Chị Thu Hương tâm sự: “Nghe con nói thế tôi tím hết cả mặt. Dạy con biết tự vệ không phải là điều xấu nhưng có thể cháu sẽ bị nhiễm tính hung hãn khó sửa”.

Nuông chiều sinh hư

Là cán bộ công chức nhà nước, với đồng lương khiêm tốn nhưng Thu Nga lại có một người chồng kiếm tiền giỏi nên tài chính khá dư dả. Chính bởi vậy, chị luôn cho rằng, con gái chị phải được ăn những thứ ngon nhất và mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Dù cho con gái mới 3 tuổi nhưng chị đã đưa đi khắp đó đây. Cứ nghe nói có nhà hàng nào ngon là chị lại đem con đến. Dần dần, con chị không chịu ăn cơm nhà mà thay vào đó ngày nào cũng đòi đi ăn ngoài. Cho đến khi cô giáo nói gần đây bé không chịu ăn cơm ở lớp và không tăng cân thì chị Nga mới giật mình. “Tôi nghĩ đơn giản là cho con ăn toàn của ngon, vật lạ ở ngoài là đủ rồi nên không ép con ăn thêm gì nữa. Giờ tôi thấy xót con vô cùng và nhận ra mình đã quá sai lầm trong việc nuôi con”, chị Nga lo lắng.

Theo bà Lê Thị Tuý, chuyên gia tư vấn tâm lý, Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam thì sinh con, nuôi con phát triển khỏe mạnh, và kỳ vọng vào con cái là niềm mong mỏi của bất kì người làm cha, làm mẹ nào. Song, người lớn chúng ta không biết rằng, chính những gì họ đang làm và nghĩ rằng tốt nhất cho con vô tình lại là hại con. Chiều con một cách thái quá, đáp ứng mọi yêu cầu và sở thích hay cho con hưởng thụ những thói quen xa xỉ sẽ chỉ khiến chúng trở nên ích kỷ, coi mình là số một. Yêu thương con không có nghĩa là chiều con. Do vậy những người làm cha, làm mẹ nên tự trang bị cho mình những kinh nghiệm và kiến thức phù hợp để dạy con phát triển lành mạnh, có cách nhìn nhận nhân sinh quan không bị lệch lạc. 

Chuyên gia Lê Thị Túy cũng khẳng định, quan điểm dạy con kiểu bạo lực ngày càng phổ biến trong những gia đình trẻ hiện nay có thể coi là sai lầm trong cách nuôi dạy con. Cha mẹ nên dạy con phát triển đúng hướng và giải thích cho con việc gì nên làm và không nên làm, đưa ra cách giải quyết mềm mỏng, tránh dùng bạo lực và không nên máy móc làm theo những gì mà cá nhân người lớn cho là đúng. Luôn dạy trẻ biết quan tâm và yêu thương những người xung quanh, đó mới thực sự là những gì tốt nhất mà cha mẹ dành tặng con cái cho cuộc sống sau này.