Dạy chữ - dạy làm người

ANTĐ - Trước khi công bố phương án chỉ còn một kỳ thi quốc gia bắt đầu từ năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã triển khai mô hình trường học mới từ năm 2012-2013 tại 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mô hình này được kỳ vọng là giải pháp sư phạm tích cực, nhằm phát triển năng lực học sinh, đảm bảo hài hòa mục tiêu giáo dục: dạy chữ - dạy làm người. Sau hai năm thực hiện, mô hình trường học mới đã đạt được kết quả khả quan, sẽ tiến tới triển khai đại trà. 

Vậy mô hình mới này có những thay đổi căn bản gì về tổ chức lớp học, cách dạy, cách học? Học sinh không ngồi hướng mặt lên bục giảng chăm chú nghe thầy cô hoặc ghi chép trên bảng như trước đây. Các em ngồi học theo nhóm, giáo viên hướng dẫn tự học và theo dõi để kịp thời hỗ trợ khi học sinh gặp khó khăn. Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, ở các lớp áp dụng mô hình mới này, tình trạng dạy học áp đặt một chiều của giáo viên và lối học thụ động của học sinh được khắc phục đáng kể.

Học theo nhóm tạo điều kiện cho trẻ mạnh dạn, tự tin và tự chủ tiếp thu kiến thức, khám phá, trải nghiệm. Đặc biệt, mối quan hệ tương tác giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên được thúc đẩy hơn trước rất nhiều. Nhiều địa phương nhận thấy mô hình hay đã chủ động triển khai. Đến nay, cả nước đã có gần 2.500 trường tiểu học trên tổng số 15.000 trường thực hiện mô hình trường học mới. Từ năm học mới này, Bộ GD-ĐT sẽ cho thí điểm mô hình này ở cấp trung học cơ sở tại 24 trường thuộc 6 tỉnh. Thực tiễn chứng tỏ, đây là một trong những giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện, có tính hệ thống, bao gồm đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, tổ chức quản lý lớp học, quản lý nhà trường. Đổi mới cả cách tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng trong việc tổ chức cũng như đánh giá hoạt động giáo dục.

Sự khác biệt của mô hình trường học mới so với nhà trường truyền thống là gì? Cách dạy truyền thống nặng về truyền thụ kiến thức có tính áp đặt, nhồi nhét một chiều. Trong khi đó, với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, mô hình mới chú trọng hoạt động tự học - tự đánh giá của học sinh; giảm được áp lực đánh giá kết quả học tập thông qua điểm số, khuyến khích dạy - học thực chất. Bước đầu có thể nhận định, đây là giải pháp giáo dục khả thi, hiệu quả, đảm báo hài hòa giữa dạy chữ và dạy làm người. Song, sự thành - bại còn phụ thuộc rất lớn vào hơn 300.000 giáo viên tiểu học phải chuyển từ cách dạy “thuyết giảng” sang cách dạy phát huy tính chủ động và tự học của học sinh.