Kỷ niệm 76 năm Chiến thắng phát-xít, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai (9-5-1945 / 9-5-2021)

Đầy ắp sử liệu quý trong sách “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tác phẩm “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì” của sử gia người Nga Alexander Dyukov ấn hành tại Việt Nam đúng ngày 9-5-2021. Đây cũng là dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của quân và dân Liên Xô (trước đây).
Ấn bản Việt ngữ “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?” (Alexander Dyukov) do NXB Trẻ ấn hành đúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 / 9-5-2021)

Ấn bản Việt ngữ “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?” (Alexander Dyukov) do NXB Trẻ ấn hành đúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 / 9-5-2021)

Được dịch giả Phan Xuân Loan và Phạm Ngọc Thạch chuyển ngữ trong gần 2 năm, tác phẩm “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?” (NXB Trẻ - 2021, tác giả Alexander Dyukov (43 tuổi) nhà sử học, chính luận và nghiên cứu tại Viện Lịch sử thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) gây chú ý bởi giá trị từ nguồn tư liệu đồ sộ, đa chiều.

Khách quan và xúc động

Từ tài liệu của tòa án xét xử tội phạm chiến tranh, những nhà sử học Đức, hồi ký của các tướng lĩnh Đức, những ghi chép, bài báo trực tiếp của phóng viên chiến trường, có thể tin đây là những tư liệu khá trung thực về cuộc Thế chiến 2 ở mặt trận phía Đông. Đó cũng là những tư liệu về các kế hoạch tấn công, thảm sát người Nga, người Do Thái... mà phe phát xít đã thực thi một cách tàn bạo cách đây gần 80 năm; là minh chứng về tính chính nghĩa, anh hùng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại mà Hồng quân và nhân dân Liên Xô góp phần kết thúc chiến tranh, mang lại hòa bình cho thế giới.

Dịch giả Phan Xuân Loan nhận xét: “Tác giả Dyukov đã thể hiện sâu sắc nỗi đau người Nga đã từng chịu đựng trong quá khứ”. Dịch giả cũng nhận xét rằng “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?” không theo cách viết sử trích dẫn “ngày - giờ - tháng - năm” thường thấy, hay chú trọng so sánh tương quan lực lượng các bên tham chiến mà “đi vào bản chất cuộc chiến, những bi kịch, thảm kịch mà người dân Liên Xô phải chịu đựng từ năm 1941 - 1944”, gây xúc động cho người đọc.

Dịch giả Phạm Ngọc Thạch thì nhận thấy rằng, các chương trong sách “tương đối độc lập với nhau” nên không gặp nhiều khó khăn trong quá trình biên dịch cũng như cách phối hợp dịch thuật giữa 2 dịch giả. “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?” - một tác phẩm có độ dầy 446 trang về lịch sử - thì cách chuyển ngữ mềm mại là điều rất cần thiết trong việc tạo thuận lợi cho bạn đọc tiếp cận, lĩnh hội tác phẩm. Dịch giả Ngọc Thạch cũng bật mí chi tiết mà anh thấy cảm động trong quyển sách này là câu chuyện về những người lính Đức già. “Dù phát-xít tàn bạo nhưng nhiều người lính già cấp thấp vẫn còn giữ được tình người, vẫn có những hành động yêu thương lũ trẻ vô tội thay vì truy sát, tiêu diệt chúng” - ông Ngọc Thạch cho biết.

Các dịch giả Phan Xuân Loan, Phạm Ngọc Thạch dành gần 2 năm tâm huyết để biên dịch tác phẩm “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?”

Các dịch giả Phan Xuân Loan, Phạm Ngọc Thạch dành gần 2 năm tâm huyết để biên dịch tác phẩm “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?”

Thư gửi bạn đọc Việt Nam

Trong thư gửi riêng cho bạn đọc Việt Nam nhân dịp tác phẩm “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?” có ấn bản Việt ngữ, sử gia Alexander Dyukov chia sẻ, sách của ông ra mắt lần đầu năm 2007 và tái bản nhiều lần (ấn phẩm tái bản mới nhất là năm 2019), đã được “hàng trăm ngàn người đọc và đến nay vẫn thảo luận sôi nổi”.

Sử gia Dyukov viết: “Cuốn sách nhận được mối quan tâm như vậy là bởi nó thuật lại chi tiết một tội ác quy mô lớn được hoạch định trước - đó là cuộc chiến tranh hủy diệt của Đức Quốc xã chống lại Liên Xô và các dân tộc sống trên lãnh thổ này. Theo đuổi các mục tiêu của mình, cuộc chiến của Đức Quốc xã chống Liên Xô đã vượt ra ngoài khuôn khổ những xung đột vũ trang cổ điển. Các yếu tố then chốt của ý thức hệ Quốc xã như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, bài Slav, chống Cộng và chủ nghĩa bành trướng thuộc địa đều hướng đến các mục tiêu cụ thể, đó là thủ tiêu nhà nước Liên Xô; xâm chiếm các vùng lãnh thổ mới; thực dân hóa và cai trị theo quan điểm mở rộng không gian sống của nước Đức.

Sử gia Alexander Dyukov

Sử gia Alexander Dyukov

Để thực hiện những mục tiêu này, ở giai đoạn chuẩn bị tấn công Liên Xô, giới lãnh đạo chính trị, kinh tế và quân sự Đức Quốc xã đã soạn thảo và truyền đạt tới những lực lượng thực thi các văn bản chỉ thị đặc biệt. Các văn bản ấy đã xác định trước bản chất của tội ác của Đức Quốc xã trên lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng. Cùng với nhiều đồng nghiệp của mình, tôi tin rằng hành động Đức Quốc xã là một cuộc diệt chủng đã được lên kế hoạch. Ký ức về nạn diệt chủng này vô cùng quan trọng đối với người Nga, nhờ đó mà chúng tôi hiểu được vì sao cuộc chiến này đối với cha ông chúng tôi là cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Cũng như trong lịch sử nước Nga, lịch sử Việt Nam có nhiều trang anh hùng chống lại quân xâm lược có lực lượng vượt trội về vật chất. Truyền thống của nhân dân Việt Nam chống lại những những đội quân xâm lược hùng mạnh đã giúp Việt Nam bảo vệ được chính mình, khôi phục văn hóa, độc lập dân tộc vào giữa thế kỷ 20.

Trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, đấu tranh giải phóng dân tộc chiếm một vị trí hết sức đặc biệt, khi nhân dân Việt Nam chống thực dân xâm lược từ giữa thế kỷ 19. Và nếu như với toàn thế giới, Thế chiến 2 kết thúc vào năm 1945 thì đối với Việt Nam nó chỉ là khởi đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến kéo dài suốt 30 năm. Trong cuộc đấu tranh này, Việt Nam đã mất mát nhiều nhân mạng, lãnh thổ bị bom đạn, vũ khí hóa học tàn phá, mà hậu quả của chúng vẫn còn tiếp tục đến tận ngày nay.

Đó là lý do vì sao tôi hy vọng rằng, cuốn sách của mình ít nhiều sẽ thú vị với bạn đọc Việt Nam. Là người từng trải qua bi kịch, các bạn sẽ hiểu rõ và đồng cảm hơn với nỗi đau của người khác”.

“Việc xuất bản quyển sách “Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì?” mang ý nghĩa như sự cân bằng giữa các dòng thông tin đa chiều từ bên ngoài dành cho mọi thế hệ độc giả Việt Nam hôm nay. Sử gia Alexander Dyukov đã cất công sưu tầm, sử dụng nhiều tài liệu lịch sử quý giá đã công bố hoặc chưa từng công bố, nhằm thể hiện được tính khách quan, cung cấp cho người đọc sự chân thật về lịch sử”.

Dịch giả Phan Xuân Loan