Dấu vết trong đống tro tàn tố cáo sát thủ Kim Ki Jong

ANTD.VN - Vụ án đã trôi qua được 8 năm, nhưng mỗi lần đi qua đường Hoàng Minh Giám, tôi vẫn không thể bỏ được thói quen ngoái nhìn lại khu đất ấy.

Các điều tra viên đưa Kim Ki Jong ra thực nghiệm hiện trường vụ án

Bây giờ, dọc tuyến đường này là những tòa nhà cao tầng san sát mọc lên và ít ai còn nhớ đến mảnh đất ngút ngàn cỏ dại - nơi đã xảy ra vụ giết người đốt xác dã man làm chấn động Hà Nội vào ngày 4-9-2008. Hôm đó, chính tôi là người đã có mặt ở đây sau khi tiếp nhận cuộc điện thoại từ Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô do người dân gọi đến báo về việc phát hiện một xác chết…

Cuộc điện thoại bất ngờ

Lúc đó là khoảng 14h, nghe điện thoại tôi chỉ kịp nhận thấy một giọng nam giới rất hớt hải, gấp gáp: “Các anh đến ngay đường Hoàng Minh Giám, trong khu đất trống - nơi người ta tập kết gạch có một người bị đốt cháy đen. Tôi cũng vừa báo công an rồi”. Chỉ nói được có vậy, người đầu dây kia tắt máy, có lẽ anh vẫn còn chưa hết kinh hãi trước những gì mình được chứng kiến. Trực đường dây nóng đã lâu nên với những thông tin kiểu này chúng tôi thường rất “cảnh giác”, bởi thực tế đã không ít lần đó là những thông tin hoang báo.

Thông tin của bạn đọc đưa ra cũng mù mờ, địa chỉ không rõ ràng. Tuy vậy, với giọng nói hốt hoảng kia, cảm nhận được những gì bạn đọc vừa nói là sự thực nên lập tức tôi liên lạc khẩn cấp về tòa soạn. Chỉ ít phút sau đó, 3 phóng viên của báo tức tốc lên đường. Vừa đi vừa quan sát khung cảnh theo sự miêu tả của nhân chứng, chúng tôi nhanh chóng khoanh vùng được khu vực cần tới. Khi xe của phóng viên đến nơi cũng là lúc xe của lực lượng Cảnh sát Hình sự đỗ ngay bên cạnh. 

Hiện trường lúc này đã được Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy phong tỏa để bảo vệ nên nhóm phóng viên bắt buộc phải tác nghiệp từ xa bằng ống kính tele. Đó là một bãi đất trống cỏ mọc ngang đầu gối, nhưng lại ẩn sau lớp kiêu gạch và chiếc xe tải cũ bên ngoài. Vạt cỏ phía sau kiêu gạch bị cháy sém chuyển sang màu vàng. Ở giữa là một đám tro đen và lẫn trong đó là một hình hài không còn nguyên vẹn. Tất cả chỉ có thế. Trong số những trinh sát hình sự lúc đó, có ai đó thốt tiếng thở dài: “Cháy hết…; không còn dấu vết gì…; khó khoanh vùng đối tượng…”.

Cơn ghen của quỷ

Trước đó 1 ngày, bữa cơm trưa của Kim Ki Jong tại căng tin trường ĐH Hà Nội diễn ra khá vui vẻ. Ngồi bên cạnh gã là một cô gái nhỏ nhắn, dễ thương có gương mặt trái xoan, mái tóc dài cột lại phía sau mượt mà và đen nhánh. Đó là Đào Thị Huệ, sinh viên năm cuối khoa tiếng Hàn. Cả 2 vừa ngồi ăn, vừa rúc rích nói chuyện. Với Kim Ki Jong, đây là những giây phút hạnh phúc mà một gã không nghề nghiệp khó lòng có được ở chính quê nhà.   

Kim Ki Jong sinh năm 1982 trong một gia đình nghèo tại Jea-Bukido-Kimje, Hàn Quốc. Đang là sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Hàn Quốc, gã bỏ dở giữa chừng rồi sang Việt Nam 3 lần để tìm kiếm việc làm, lần cuối là tháng 12-2007. Vì đã ở Việt Nam khá lâu nên gã cũng quen với nhịp sống của Hà Nội.

Kim Ki Jong biết, một kẻ tay trắng như gã, thu nhập chẳng đáng là bao, công việc cũng chưa ổn định thì khó có khả năng thuê trọ tại những khu vực dành cho các chuyên gia nước ngoài. Do vậy gã tìm tới khu tập thể của trường ĐH Hà Nội, quận Thanh Xuân thuê một căn phòng nhỏ trên gác của ông Trần Đức Thắng. Căn phòng tuy chỉ độ hơn 10m2 nhưng khép kín, khá kín đáo và yên tĩnh. Sau bữa cơm trưa ấy, Kim Ki Jong về phòng và đến 16h gã lại đi bộ vào trường để đón người yêu của mình.  

Về phần Đào Thị Huệ - cô gái mảnh mai yếu ớt này vẫn lên giảng đường như thường lệ. Huệ quê Thái Bình, nhưng khi lên Hà Nội học thì sống cùng với anh trai tại một căn phòng nhỏ thuê ở tận Phú Diễn, Hà Nội. Cô quen và yêu Kim khi được một bạn gái cùng lớp giới thiệu làm gia sư dạy thêm môn tiếng Việt cho gã.

Mối tình ấy Huệ giữ khá kín đáo và chẳng nhiều người biết. Có lẽ cái vẻ bề ngoài luộm thuộm, mái tóc rối bù và cặp kính trắng trí thức của Kim khiến cô luôn nghĩ rằng, gã là một người thật thà, chân chất. Nhất là khi Kim kể về gia đình gã tại Hàn Quốc, con tim của cô gái trẻ đã có sự đồng cảm và sẻ chia bởi cô cùng có hoàn cảnh tương tự. Huệ chẳng bao giờ ngờ rằng, buổi học ngày 3-9 hôm đó là lần cuối cô được nhìn thấy trường lớp, bạn bè...

Sau khi đón Huệ về phòng trọ của mình, Kim và Huệ đã có những phút giây mặn nồng. Thế nhưng, chỉ ít phút sau, Kim bỗng trở thành ác quỷ khi gã nổi điên đẩy Huệ ngã đập đầu xuống đất rồi bóp cổ cô đến chết trong nhà tắm chỉ vì biết trước đây Huệ đã từng có bạn trai. Gây án xong, Kim cho xác người yêu  vào va-li rồi đợi đến tối gã lẳng lặng đi mua xăng, thuê taxi mang ra bãi đất trống ở đường Hoàng Minh Giám đốt. Gã cũng cẩn thận bỏ luôn vào trong đó cả giấy tờ, tư trang của cô gái và tin rằng, lửa sẽ thiêu sạch mọi dấu vết. Nhưng chính sự cẩn thận ấy đã tố cáo gã.

“Thủ phạm đây rồi”

15h ngày 4-9, nắng Hà Nội vẫn hầm hập như muốn vắt kiệt từng giọt mồ hôi của người đi đường. Giữa cái nắng nóng ấy, Đại úy Lê Việt Dũng, cán bộ Đội Khám nghiệm hiện trường (nay là Trung tá, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Hình sự, CATP Hà Nội) vẫn trần lưng lẩn mẩn lật từng cọng cỏ, bới từng lớp tro tàn để tìm dấu vết nhằm xác định tung tích nạn nhân và danh tính thủ phạm. Hiện trường vụ án lúc ấy ghê sợ tới mức những người bạo gan nhất và tò mò đến mấy cũng không dám lại gần.

Ngay cả nạn nhân cũng bị cháy không thể nhận ra được giới tính. Người này là nam hay nữ? Từ đâu đến? Chết trước hay sau khi bị cháy? Kẻ đốt là ai? Giết người vì tư thù hay để cướp tài sản?... - Tất cả những câu hỏi ấy đều trông chờ vào những kết luận của Đại úy Lê Việt Dũng. Mọi hướng điều tra của các trinh sát nếu không có những nhận định của khám nghiệm hiện trường thì không khác gì mò kim đáy biển. 

Ngoài chiếc khung sắt của chiếc va-li đã cháy hết phần vải thì hiện vật duy nhất thủ phạm bỏ lại gần tử thi chỉ là 1 chiếc vỏ chai 7Up đựng xăng. Quyết tâm tìm bằng được thủ phạm, Đại úy Lê Việt Dũng quay lại bên nạn nhân một lần nữa. Và khi lật xác lên, anh phát hiện ra hình dáng một chiếc hoa tai, một phần còn lại của thỏi son chưa cháy hết và quan trọng nhất là có một cuốn sổ đã hóa than, nhưng chưa bị vụn nát.

Trên bề mặt cuốn sổ vẫn còn có thể nhìn thấy những dòng chữ viết bằng 2 thứ tiếng Việt và Hàn Quốc. “Thủ phạm đây rồi” - Đại úy Lê Việt Dũng reo lên và nhanh chóng thu thập toàn bộ vật chứng gửi về đơn vị nghiệp vụ phân tích. Trong báo cáo kết quả khám nghiệm ngày hôm sau gửi tới Ban Giám đốc CATP Hà Nội, Đại úy Lê Việt Dũng nêu rõ nhận định của mình: “Đây là vụ án giết người. Nạn nhân là nữ khoảng 20 tuổi, chết trước khi bị đốt và có sự quen biết với thủ phạm. Nhiều khả năng thủ phạm là người Hàn Quốc”. 

Quả nhiên khi các điều tra viên truy tìm theo hướng này, chưa đầy 24h sau, nạn nhân và thủ phạm đã được làm rõ và Kim Ki Jong đã phải nhanh chóng khai nhận hành vi phạm tội. Cho đến lúc đưa tay vào còng số 8, gương mặt gã vẫn lạnh tanh không hề biểu lộ cảm xúc. Và gã vẫn giữ bộ mặt vô hồn ấy tới cả khi thực nghiệm hiện trường.