Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng tích cực nhưng chưa đột biến

ANTD.VN - Theo ông Phạm Đình Thúy- Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục thống kê), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng đều nhưng chưa phát hiện thấy sự thay đổi đột biến nào.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng tích cực nhưng chưa đột biến ảnh 1

Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu có vốn đầu tư chiếm 47,4% tổng vốn đầu tư 6 tháng đầu năm

Thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20-6-2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 8,44 tỷ USD. Về vốn điều chỉnh, có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳVốn điều chỉnh trong 6 tháng năm 2020 tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.125 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 2,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 3,51 tỷ USD, bằng 43,2% so với cùng kỳ. Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019.

Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 44% trong 6 tháng năm 2019 xuống 22,4% trong 6 tháng năm 2020.

Một số dự án điển hình trong 6 tháng đầu năm nay là: Dự án Nhà máy dệt kim tại khu công nghiệp Texhong Hải (Hồng Kông), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh; Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng;

Dự án Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 48,8 triệu USD với mục tiêu sản xuất bộ dây diện dùng cho xe ô tô tại Vĩnh Long. Bên cạnh đó là dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh và thương chiến Mỹ- Trung vẫn tiếp tục, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài chuyển đến Việt Nam- nơi có môi trường đầu tư an toàn, ổn định, nhiều ưu đãi.

Chưa thấy “làn sóng” chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Đình Thúy cho hay, theo đánh giá của các chuyên gia, đang có dòng FDI dịch chuyển vào Đông Á và nhiều hơn là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

“Vốn FDI 6 tháng đầu năm vào Việt Nam từ 2018-2020 vẫn tăng đều, tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay so 2019 giảm 13,5%, chỉ đạt 86,5%. Thu hút FDI chỉ đạt 86,5% cũng là xu hướng tích cực. Nhìn chung, các quốc gia lớn thường đầu tư lớn vào Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng đầu năm 2020 song chưa có bằng chứng rõ ràng về việc dịch chuyển FDI vào Việt Nam”- ông Phạm Đình Thúy nói.

Cũng theo ông Phạm Đình Thúy, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng đều, chưa có sự đột biến, kể cả số liệu đầu tư của từng quốc gia. “Các doanh nghiệp FDI đang hưởng lợi lớn từ các chính sách ưu đãi của Việt Nam như: thuế, đất đai, nhân công giá trẻ nhưng nhiều nước khác cũng có lợi thế như Việt Nam nên nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn”- đại diện Tổng cục thống kê nói.

Mặt khác, việc chuyển hướng đầu tư từ nước này sang nước khác không đơn giản, doanh nghiệp sẽ phải xem xét chi phí cơ hội, tài sản, ưu đãi… để lựa chọn. Đặc biệt quá trình chuyển dịch nếu có cũng mất từ 2-5 năm, do chuỗi cung ứng toàn cầu đã hoàn thiện nên không thể chuyển ngay.

Bản thân các quốc gia đang có đầu tư FDI cũng có nhiều giải pháp để “níu kéo” nhà đầu tư. “Việt Nam được hưởng một số lợi ích từ thương chiến Mỹ- Trung, Covid-19 có thể dẫn đến sự dịch chuyển sản xuất của các chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng điều này cần thời gian xem xét, đánh giá kỹ càng hơn và tác động cụ thể thế nào”- ông Phạm Đình Thúy nhấn mạnh.

Theo Bộ KH-ĐT, vốn đầu tư tăng là do trong 6 tháng năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới).