Đầu tư, "nâng đời" hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm

ANTD.VN - Để phát triển thị trường lao động, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Trong đó, cần chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm.

Đầu tư, "nâng đời" hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm ảnh 1

Tập trung nâng cao hiệu quả của công tác tư vấn, giới thiệu việc làm

Xương sống của ngành lao động

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2017, cả nước có hơn 1.639.000 lao động được tạo việc làm, trong đó, số lao động được tạo việc làm trong nước khoảng 1.505.000 người. Bên cạnh việc đẩy mạnh giải quyết việc làm trong nước, năm 2017 cũng được xem là năm thành công đối với hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với trên 134,7 nghìn lao động, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và đem lại cơ hội lớn trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài.

Kết quả đạt được có sự đóng góp không nhỏ mạng lưới các Trung tâm dịch vụ việc làm. Bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm ngày càng phát huy được hiệu quả hoạt động, thông tin thị trường lao động được phổ biến rộng rãi đến người lao động với nhiều hình thức đa dạng; tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ và thường xuyên hơn, quy mô mở rộng hơn, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động cao hơn, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm.

Theo các chuyên gia, trung tâm dịch vụ việc làm có vai trò rất quan trọng, là xương sống của ngành lao động, do đó, cơ quan quản lý phải quan tâm đến trung tâm dịch vụ việc làm. Cụ thể, phải củng cố, sắp xếp lại các trung tâm dịch vụ việc làm; Xem xét lại hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm của tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội nghề nghiệp nếu hoạt động không hiệu quả thì phải bị xử lý.

Quan tâm, hỗ trợ người lao động

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là cho các nhóm lao động yếu thế.

Nhóm chính sách này nhằm hỗ trợ người lao động thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động có chính sách bảo hiểm thất nghiệp; Giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân có các nhóm chính sách về tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, định hướng nghề nghiệp, thông tin dự báo thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động; các chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện dự án phát triển thị trường lao động và việc làm, góp phần thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2018-2020, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: đầu tư nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ phát triển thị trường lao động qua việc hỗ trợ các địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tổ chức điều tra, khảo sát thị trường lao động phục vụ công tác quản lý và phân tích, dự báo thị trường lao động.

Cùng đó, sẽ kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm. Bên cạnh việc tạo việc làm cho lao động, cần chú trọng tới đào tạo, bồi dưỡng cùng như tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tập trung vào phát huy giá trị cốt lõi của chính sách này là tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động; Hỗ trợ doanh nghiệp tránh sa thải và duy trì việc làm cho người lao động, đào tạo nâng cấp kỹ năng hoặc trang bị kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với những yêu cầu mới của vị trí việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động.