Đầu tư dàn trải, giải ngân chậm trễ, trách nhiệm chung chung

ANTD.VN - Tiếp tục phiên chất vấn sáng 15-6, nhiều ĐBQH đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng về tình trạng phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, giải ngân vốn chậm và đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng khiến nhiều ĐBQH chưa hài lòng…

ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) chất vấn trách nhiệm của Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Chủ tịch Quốc hội phải trả lời thay

Nghe Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời lý do dẫn tới tình trạng đầu tư công còn dàn trải, giải ngân vốn chậm là vì Luật Đầu tư công mới có hiệu lực nên triển khai thực hiện còn lúng túng, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) tranh luận: “Bộ trưởng không thể đổ lỗi những vướng mắc trong đầu tư công hiện nay là do Luật Đầu tư công mới triển khai. Tình trạng bố trí vốn dàn trải, giải ngân vốn đầu tư công chậm, nguyên nhân gốc rễ có phải do cơ chế xin - cho? Có phải Bộ tham gia quá sâu vào công tác phân bổ dẫn tới ách tắc trong đầu tư hay không?”.

Do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời rất dài nhưng chưa đi vào trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời và yêu cầu Bộ trưởng đẩy nhanh tiến độ trả lời. Lúc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mới đi vào trả lời câu chất vấn của ĐB đoàn Phú Thọ: “Các bộ, ngành đã thực hiện các thủ tục đầu tư công theo quy định nhưng khả năng từ nay đến cuối năm rất khó giải ngân hết số vốn này…”.

Không hài lòng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại, ĐB Hoàng Quang Hàm hỏi rõ là “nguyên nhân gốc rễ trong phân bổ vốn đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia chậm 80.000 tỷ đồng, giải ngân ODA chậm có phải đổ lỗi do Luật Đầu tư công hay không, hay do cơ chế xin - cho?”.

Bộ trưởng trả lời: “Về 80.000 tỷ đồng và nhiều dự án trọng điểm quốc gia chưa được phân bổ vốn, chúng ta dự kiến trong số này có 70.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm quốc gia, 10.000 tỷ đồng cho dự án chống ngập của TP.HCM…”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lần nữa ngắt lời Bộ trưởng và nói “để tôi trả lời luôn câu hỏi này”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, theo luật, tất cả những công trình trọng điểm quốc gia đều phải trình ra Quốc hội cho chủ trương đầu tư. Hiện nay, vốn chưa phân bổ được là vì Bộ KH-ĐT, các bộ, ngành chưa làm được thủ tục này. “Bộ trưởng phải thấy trách nhiệm của các bộ, ngành và Bộ KH-ĐT là chậm làm các hồ sơ giải trình ra Quốc hội nên chưa phân bổ được” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp tục chất vấn, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng, còn quá nhiều hạn chế yếu kém trong quản lý, kiểm soát đầu tư công dẫn đến sự tiêu cực, lãng phí, thất thoát. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận trách nhiệm: “Việc đầu tư còn dàn trải, chưa sát thực tế, dẫn đến lãng phí. Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT là công tác tham mưu chưa đầy đủ, chặt chẽ. Việc thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu tham mưu Chính phủ để có các giải pháp căn cơ hơn”.

Suất đầu tư cao tốc Bắc-Nam quá đắt?

Liên quan đến một dự án cụ thể đang được dư luận rất quan tâm là đường cao tốc Bắc - Nam, hàng loạt ĐB đặt câu hỏi chất vấn về suất đầu tư ở dự án này. ĐB Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) đặt vấn đề, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, dự án đường cao tốc Bắc - Nam dài 1.372km có vốn đầu tư trên 312.400 tỷ đồng, tương đương  với 14 tỷ USD và suất đầu tư theo dự án khoảng 10,12 triệu USD/1km.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, suất đầu tư bình quân của đường cao tốc của Trung Quốc chỉ là 5 triệu USD/km, Mỹ và các nước châu Âu chỉ từ 3-4 triệu USD/km. Như vậy, chi phí làm đường cao tốc nước ta cao gấp từ 2-4 lần so với nước khác nhưng chất lượng lại chưa bằng. “Vậy giải pháp để hạ giá suất đầu tư là gì?” - ĐB đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, với đặc điểm của Việt Nam có nhiều vùng địa hình, địa lý khác nhau, với mỗi khu vực có suất đầu tư đường cao tốc rất khác nhau. Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra một số thông tin để ĐBQH tham khảo: “Với đường cao tốc 6 làn xe: ở Đức suất đầu tư là 10,9 triệu USD/km, Áo 16,7 triệu USD/km, Mỹ 12,8-40,8 triệu USD/km, Trung Quốc 10,5-13,6 triệu USD/km. Đề án đường cao tốc Bắc - Nam Việt Nam dự kiến 9,5 triệu USD”. 

Giải ngân chậm sẽ bị cắt vốn

Phát biểu làm rõ hơn một số ý kiến chất vấn của ĐBQH trong lĩnh vực KH-ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, công tác giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 nhìn chung còn chậm, không phân bổ hết dự toán, có tiền không tiêu hết được. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội trong việc này để làm tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích: “Chúng ta chậm phát hiện, rà soát để sửa đổi kịp thời bất hợp lý trong văn bản hướng dẫn, pháp luật liên quan. Nhiều địa phương, bộ, ngành chưa kiên quyết cắt giảm các dự án mới, cái gì cũng muốn đầu tư nên cắt giảm rất khó. Việc phân công, phân cấp chưa hợp lý, có tình trạng một số Bộ thấy việc gì cũng quan trọng, cũng to, nên phân cấp cho cấp dưới, địa phương chưa đầy đủ….”. 

Về giải pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu bộ, ngành nào đã có quyết định phân bổ nguồn vốn mà chưa giải ngân vốn tối thiểu thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cắt giảm, cho vào nguồn dự phòng chung. Mặt khác, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm cán bộ làm chậm giải ngân, gây thất thoát, tham nhũng. 

Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm”: Nhiều nội dung Bộ trưởng trả lời chưa thỏa mãn

“Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã cố gắng nắm tình hình, thực trạng và những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực mình quản lý, nghiêm túc làm rõ trách nhiệm về những tồn tại hạn chế. Tuy vậy, Bộ trưởng trả lời một số nội dung chưa rõ, chưa thỏa mãn ĐBQH nên đã có 19 ĐBQH tham gia tranh luận lại. Bên cạnh những mặt tích cực, trách nhiệm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần quan tâm chỉ đạo như: Việc phân bổ vốn đầu tư trung hạn, tiến độ giải ngân vốn chậm, quy định thủ tục đầu tư còn bất cập, tình trạng đầu tư còn dàn trải gây lãng phí, kém hiệu quả chưa có giải pháp khắc phục triệt để”.

Chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, tranh luận sôi nổi, tâm huyết

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã có hơn 196 lượt ĐB đặt câu hỏi, 58 ĐB tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Các ĐBQH đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa các ĐB mà còn với các thành viên Chính phủ để làm rõ các vấn đề yếu kém, xác định trách nhiệm và có giải pháp khắc phục.

Các thành viên Chính phủ nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của ngành và lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc giải trình, làm rõ vấn đề ĐB nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm và có giải pháp quyết tâm làm chuyển biến tình hình. Quốc hội   ghi nhận sự nghiêm túc cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong trả lời chất vấn…

“Có thể nói phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp không chỉ riêng  đối với Chính phủ mà với cả Quốc hội, làm hài lòng nhiều cử tri”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Đầu tư dàn trải, giải ngân chậm trễ, trách nhiệm chung chung ảnh 2

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Giám sát chặt lời hứa của các Bộ trưởng 

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 15-6, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua 3 ngày, phiên chất vấn với 4 Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ đã diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Các ĐBQH đặt những câu hỏi chất vấn “nhẹ nhàng nhưng sâu sắc”, nội dung phản ánh trúng những vấn đề bức xúc trong thực tiễn cuộc sống và phản ánh tâm tư của người dân.

Mặt khác, rất nhiều ĐBQH bên cạnh đặt câu hỏi còn tranh luận với Bộ trưởng, với chính các ĐBQH khác để đi đến cùng của vấn đề. “Điều này vừa thể hiện sự đổi mới, vừa thể hiện tính nhiệt tình, nhiệt huyết của các ĐBQH khi tranh luận các vấn đề nêu ra” - Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá. 

Với phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc  cho biết, trừ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 3 Bộ trưởng còn lại đều lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Dù vậy, các Bộ trưởng đều thể hiện được sự bình tĩnh, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, không né tránh những vấn đề ĐBQH nêu; nhất là sẵn sàng nhận trách nhiệm về phía Bộ mình và có lời hứa, cam kết nhận trách nhiệm trong thời gian tới. 

“Những nội dung này chúng tôi sẽ tổng hợp để đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát những nội dung mà các Bộ trưởng đã hứa, để đến kỳ họp sau, năm 2018 Quốc hội sẽ có Nghị quyết về chất vấn, đánh giá lại việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng từ kỳ họp 2 đến kỳ họp 6” - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm.

Nguyễn Phan