Đấu tranh với “bệnh ngồi”

ANTĐ - Đến với một số công ty Singapore hiện giờ, khách hàng được mời ngồi nhưng nhân viên của họ có thể vẫn đứng bên những bàn làm việc cao ngang ngực. Trào lưu sử dụng những chiếc bàn làm việc đứng ngày càng phổ biến, tất cả vì lý do sức khỏe.

Trào lưu đứng làm việc

Đầu năm 2013, ông Dany Leong đã chuyển cách thức làm việc từ ngồi sang đứng. Nhà sản xuất phim 40 tuổi này của Singapore giờ thường đứng khi sử dụng máy tính trong văn phòng của mình ở đường Kallang Pudding. Mỗi ca chừng 2-3 tiếng, thay vì đứng nghiêm, ông để đôi chân của mình thoải mái bằng những động tác khi thì chân co chân duỗi, khi thì dạng ra, thậm chí có lúc còn nhún nhẩy đôi chút. “Qua thời gian tôi nhận thấy rằng khi đứng, dòng sáng tạo tuôn ra tốt hơn”.

Trước đó, Dany Leong đã mua một chiếc bàn làm việc có thể điều chỉnh độ cao, giúp người sử dụng có thể đứng hay ngồi tùy thích. Chiều cao của chiếc bàn có thể xê dịch ở khoảng 65cm – 130cm, tất cả chỉ cần bấm nút. Ông Leong cao 1m75, vì thế hoàn toàn có thể đứng làm việc trên mặt bàn một cách thoải mái. Chiếc bàn hiệu Duba B8 do Đan Mạch sản xuất này trị giá 2.500 đôla Singapore (khoảng 42 triệu đồng), và kiểu dáng này có trên thị trường Singapore từ năm 2007. Kiểu bàn làm việc có thể điều chỉnh độ cao này không có gì là mới đối với những nước như Đan Mạch nhưng ở Singapore, đây là mặt hàng có doanh thu tăng nhanh trong những năm gần đây, với giá dao động từ 1.800 đến 6.000 đôla/chiếc.

Doanh nghiệp gia đình Lim Chee Guan 2 tháng trước cũng đã “chịu chơi” mua 24 bàn văn phòng kiểu mới cho tất cả các nhân viên. Ông Jerre Lim, 37 tuổi cho biết: “Nó giúp cơ thể vận động. Ngoài ra, một số công việc như thu ngân chẳng hạn nếu đứng thì dễ làm việc hơn. Quan trọng là giúp người lao động không bị căng cơ cổ”. 

Tương tự, Grundfos, một công ty chuyên về máy bơm năm ngoái đã bỏ ra hơn 1 triệu đôla để mua 113 chiếc bàn làm việc tự điều chỉnh độ cao khi họ chuyển đến tòa nhà làm việc mới ở Jurong. Giám đốc điều hành Poul Due Jensen, 41 tuổi đánh giá: “Tôi nhận thấy mọi người trở nên vui vẻ và làm việc hiệu quả hơn. Họ luôn thoải mái và vui tươi”. Bản thân ông Jensen từ đó đến nay không bị hành hạ bởi chứng đau lưng nữa. Còn nhà sản xuất phim Dany Leong cũng thấy mình không bị đau cổ và vai như khi phải ngồi làm việc nhiều giờ như trước kia.

Đứng đốt cháy nhiều calo

Đứng là biện pháp đấu tranh với “bệnh ngồi”. Theo bác sỹ Sonali Ganguly, 37 tuổi, chuyên gia tư vấn tại khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Singapore, “bệnh liên quan đến ngồi” đề cập đến một lối sống ít vận động khiến con người đứng trước nhiều nguy cơ về sức khỏe. Bà nói: “Thiếu hoạt động thể chất có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, béo phì và bệnh tim”. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy đứng giúp giảm cân nhưng quá trình đứng làm việc cơ thể sử dụng cơ bắp nhiều hơn, do đó đốt cháy nhiều calo hơn và tăng cường trao đổi chất.

Bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình Benjamin Tow, 40 tuổi, cho biết, ngồi, đặc biệt là gập người về phía trước, làm suy yếu các cơ lõi bao quanh cột sống, dần dà làm tăng nguy cơ đau lưng. Tuy nhiên, nếu đứng sẽ giúp giảm áp lực lên đĩa cột sống. Ông cũng cho rằng bàn làm việc cao sẽ là không cần thiết “nếu bạn có thể nghĩ ra cách để nhắc nhở mình luân phiên các động tác ngồi, đứng lên, giãn cơ và đi bộ”. Bác sỹ Benjamin Tow còn cảnh báo, đứng thẳng ở một vị trí cố định thời gian dài có thể ứ máu tĩnh mạch ở chân và suy tĩnh mạch sẽ rất khó coi về mặt thẩm mỹ.

Vì vậy, nếu đứng làm việc thì bao lâu là đủ? Điều đó thực sự phụ thuộc vào độ tuổi và trọng lượng của mỗi người. Điểm mấu chốt: Có thể bạn đã quen với cách đứng hay ngồi làm việc nhưng vẫn phải luôn vận động.