Đấu tranh kiên quyết hơn, bằng biện pháp hòa bình

ANTĐ - Đó là thông điệp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 diễn ra sáng 29-5; trước những diễn biến xung quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 cũng như động thái của Trung Quốc.
Thông điệp này đã được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chuyển tải đến đại diện các cơ quan báo chí tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5 của Chính phủ tổ chức cuối giờ chiều cùng ngày;

Cùng dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ thông tin – truyền thông Nguyễn Bắc Son; Trung tướng Hoàng Kông Tư – Thủ trưởng cơ quan ANĐT Bộ Công an; cùng lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kế hoạch đầu tư, Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư, Bộ Tài chính…Những nội dung, câu hỏi chính của buổi họp báo đều tập trung đến vấn đề biển Đông và giàn khoan Hải Dương 981.

Đặt Tổ Quốc lên trên hết

- Người Lao động: Người đứng đầu Chính phủ đã đề cập đến việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết sự việc giàn khoan Hải Dương 981. Chúng ta đã tính toán đến vấn đề đó chưa và đã làm những việc gì rồi?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chúng ta đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý từ lâu. Nhưng để thực hiện nó như thế nào và lúc nào thì phải cân nhắc hết sức kĩ càng. Khi khởi kiện ra Tòa án công lý, tòa án quốc tế, hồ sơ pháp lý là yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng còn các vấn đề khác. Chúng ta đang cân nhắc biện pháp hợp lý nhất. Thủ tướng cũng đã nói nếu như Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán thực hiện các yêu cầu ta đưa ra chân thành, thì tình hình có thể khác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chủ trì, trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên

- Người Lao động: Phát biểu mới đây của Thủ tướng được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế rất đồng tình, ủng hộ, đó là chúng ta không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông. Thủ tưởng hôm nay có nói rõ thêm thông điệp này tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Với chúng ta, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là cái bất biến, không thể đánh đổi. Thông điệp của Thủ tướng không chỉ nói với Trung Quốc, mà là quan điểm, lập trường của Việt Nam trước thế giới. Lập trường của chúng ta thống nhất trước sau như một: đặt Tổ Quốc lên trên hết!

          Xử lý nghiêm hành vi vi phạm để tăng niềm tin nhà đầu tư

- Pháp luật TP. Hồ Chí Minh: Đến thời điểm này, đã có bao nhiêu đối tượng bị xử lý sau những vụ việc gây rối tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh?

- Trung tướng Hoàng Kông Tư: Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc tại một số địa phương trong thời gian qua. Đó là hành vi ngang ngược từ phía Trung Quốc với giàn khoan Hải Dương 981; mâu thuẫn giữa một bộ phân người lao động với doanh nghiệp về tiền lương, việc làm; sự kích động của kẻ địch; và sự lợi dụng phạm tội của các đối tượng hình sự.

          Ngay khi xảy ra sự việc ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Tổng cục đã về từng địa phương để chỉ đạo giải quyết. Số người liên quan lúc đầu được xác định lên tới hàng ngàn người. Với tinh thần điều tra, xử lý khẩn trương, kiên quyết, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cơ quan chức năng đã phân loại những trường hợp bị kẻ xấu kích động và trường hợp cố tình có hành vi gây rối, kích động, vi phạm pháp luật. Qua phân loại, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 526 người. Cơ quan tố tụng 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đang tiếp tục củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can các trường hợp khác về các tội danh gây rối trật tự, cướp, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ…Riêng tại Hà Tĩnh, hiện CQĐT đã khởi tố 32 đối tượng.

Toàn cành buổi họp báo chiều 29-5

- Chất lượng Việt Nam: Cần có biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và người lao động; cũng như tăng niềm tin đối với doanh nghiệp nước ngoài?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Động thái đầu tiên của Chính phủ sau những sự việc xảy ra ở một số địa phương thời gian qua là chỉ đạo nhanh chóng khắc phục và ban hành cơ chế hỗ trợ khắc phục. Các địa phương đã cử đoàn công tác đến tận doanh nghiệp để rà soát, tính toán thiệt hại. Đối với công nhân, có chính sách hỗ trợ cho họ. Điều này thể hiện thiện chí, sự chân thành và trách nhiệm xã hội của Chính phủ và lãnh đạo địa phương, đối với vụ việc xảy ra ngoài ý muốn. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhiều người lao động sau sự việc trên đã rất cảm kích và nói rằng tiếp tục đầu tư, kinh doanh, làm việc tại Việt Nam; bởi đằng sau họ có sự ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ của Chính phủ, địa phương, lực lượng chức năng. Chúng ta đã cam kết sẽ không để xảy ra sự việc như vậy! Thủ tướng đã chỉ đạo rút kinh nghiệm; tới đây sẽ tăng cường nắm bắt, động viên  tư tưởng công nhân qua các tổ chức Công đoàn, qua nắm tình hình địa phương.

          Kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình

- Gia đình& xã hội và Tiền Phong: Chúng ta sẽ làm gì nếu Trung Quốc không rút giàn khoan sau ngày 15-8 như họ đã tuyên bố? Có nên tính toán thành lập một Bộ để giải quyết những vấn đề trên biển?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chính phủ từ lâu đã phân công, thành lập bộ phận chuyên sâu, tập hợp, nghiên cứu những vấn đề trên biển, và mời cả sự tham gia của chuyên gia nước ngoài. Bộ phận này đang ngày đêm làm việc.

Rất đông cơ quan báo chí tham dự

Thủ tướng khẳng định chúng ta tiếp tục đấu tranh, ta thể hiện chân thành, thiện chí của mình trên mặt trận đấu tranh ngoại giao; kêu gọi buộc Trung Quốc rời giàn khoan. Công tác này ngày càng phải làm mạnh hơn, kiên quyết hơn, rộng hơn, và không được để xảy ra sơ hở. Chúng ta cần nhiều tiếng nói, cần những người Trung Quốc hiểu và có ý kiến đồng thuận. Thực tế, nhiều công dân Trung Quốc ở nước ngoài cũng không ủng hộ cách hành xử của Trung Quốc trên biển Đông lâu nay. Thủ tướng chỉ đạo cần đưa thông tin ra ngoài để quốc tế hiểu rằng một cường quốc như Trung Quốc thì không thể không chấp hành luật pháp quốc tế. Có như vậy mới là nước lớn, là cường quốc.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo để sớm ra đời chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ cho ngư dâan toàn, hiệu quả. Người dân ngại thiếu vốn, nay chính sách sẽ áp dụng vay vốn lãi suất 3% trong 10 năm; thế chấp bằng chính thân tàu và có bảo hiểm. Khi có rủi ro xảy ra, Nhà nước sẽ có chính sách để người dân không bị thiệt, để người dân an tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.