Dấu tích lịch sử, quân sự không thể lãng quên trên đường Hoàng Diệu

ANTD.VN - Đường Hoàng Diệu có lẽ là một trong những con đường trồng nhiều xà cừ nhất Hà Nội và cũng là một trong số ít phố ở nội thành có 3 hàng cây. Con đường chạy theo cạnh phía Tây của hành cung kinh thành Thăng Long xưa và vì thế có nhiều điểm đặc biệt.

Những cây xà cừ lớn nhất trong thành phố

Dấu tích lịch sử, quân sự không thể lãng quên trên đường Hoàng Diệu ảnh 1Hoàng Diệu là một trong những con đường trồng nhiều xà cừ nhất Hà Nội

Trước hết, tôi muốn nói về hàng xà cừ trên phố. Xà cừ vốn là một loài cây thuộc họ xoan có nguồn gốc châu Phi, được trồng ở Hà Nội từ lâu. Xà cừ có đặc điểm là ưa ánh sáng, lớn nhanh, thân to khỏe nhưng loài cây này không có vẻ thơ mộng, lãng mạn như sấu, hoa không đẹp và quả cũng không ăn được. Một nhược điểm nữa là bộ rễ xà cừ bám không sâu, dễ đổ nên mặc dù đã du nhập từ lâu nhưng số lượng xà cừ được trồng thêm không nhiều. Những hàng xà cừ trên phố Hoàng Diệu có lẽ nằm trong những cây xà cừ lớn nhất thành phố còn tồn tại. Đi dọc phố, cảm giác rất rõ sự lớn quá nhanh và to quá khổ của những cây xà cừ, đôi chỗ thấy những thân cây to đùng choán cả một khoảng không gian. Tôi có đọc một số tài liệu sinh học nói rằng cần kiểm soát độ lớn của cây xà cừ trong cảnh quan công cộng. Những cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu và cả ở những nơi khác của Hà Nội có lẽ chưa bao giờ được kiểm soát về kích cỡ nên ta dễ dàng trông thấy những gã cây ục ịch ấy đứng bệ vệ trên phố, thì cũng có một chút gì đấy gọi là đáng yêu!

Đại lộ Victor Hugo giữa lòng Hà Nội

Dấu tích lịch sử, quân sự không thể lãng quên trên đường Hoàng Diệu ảnh 2Cổng phía Tây vào Hoàng thành Thăng Long nhìn từ phía đường Hoàng Diệu

Đường Hoàng Diệu vốn nằm trên cạnh Tây khu Hoàng thành Thăng Long nên dấu vết lịch sử ở nơi đây còn khá nhiều. Có lẽ ít người để ý rằng bức tường còn lại bao quanh khu vực này chạy dọc theo đường Hoàng Diệu có rất nhiều các lỗ châu mai nhỏ để có thể đưa nòng súng ra ngoài. Các lỗ châu mai có mật độ rất dày, độ 50cm một lỗ xẻ dọc trên tường gạch. Những lỗ châu mai này do người Pháp làm vì đã có lúc khu Hoàng thành bị người Pháp chiếm đóng làm một khu quân sự. Chính vì dấu vết quân sự này nên trên hè phố vẫn còn những lô cốt của người Pháp nhô hẳn ra ngoài đường, điều rất hiếm thấy trong khu vực nội thành Hà Nội.

Nhưng một điểm thú vị là rất gần với những lỗ châu mai dày đặc này có một đoạn người ta trồng khá nhiều những cây ban tím và vào độ tháng ba, những bông hoa ban này bung nở rất đẹp tím cả một vùng đầy vẻ lãng mạn. Những cây hoa ban nở hoa cạnh những lỗ châu mai, đấy chẳng phải là sự tương phản đầy ý nghĩa đó sao!

Đường Hoàng Diệu, vì nguồn gốc là nằm trong khu vực Hoàng thành và địa điểm quân sự nên có ít nhà dân. Đây là một con đường lớn có từ thời Pháp và từng được đặt tên là Đại lộ Victor Hugo. Khi biết được điều này tôi rất thích thú, Victor Hugo là một nhà văn vĩ đại của nước Pháp và khi người Pháp đặt tên các đường phố ở Hà Nội, họ thích đặt tên đường bằng các tên vị quan cai trị đất bản xứ hơn, những cái tên danh nhân như Victor Hugo là không nhiều. Nhưng đáng tiếc cái tên tác giả của những bộ tiểu thuyết lừng danh như “Những người khốn khổ”; “Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris”… không tồn tại  được lâu. Con đường sau đó sau đổi tên là Đại lộ Pierre Pasquier - tên một vị toàn quyền người Pháp chết vì tai nạn máy bay.

Những công trình nổi bật

Dấu tích lịch sử, quân sự không thể lãng quên trên đường Hoàng Diệu ảnh 3Hoa ban nở trắng hai bên đường Hoàng Diệu

Đường Hoàng Diệu không có nhiều nhà dân nhưng có những biệt thự rất đáng chú ý. Bên số lẻ, số 1 Hoàng Diệu là một khối nhà lớn và dài, trước đây là vốn là Sở Binh lương của người Pháp, sau một đơn vị quân đội của ta tiếp quản và sử dụng. Nhưng thật đáng tiếc tòa nhà này hiện đã bỏ không vài năm nay, mưa gió và thời gian đang hủy hoại dần dần…

Phía bên chẵn của đường Hoàng Diệu cũng không có nhiều nhà nhưng đều là những biệt thự đẹp. Có một số ngôi nhà tôi muốn lưu ý ở đây. Đầu tiên là ngôi nhà ở số 6 Hoàng Diệu vốn là một trường tư thục của một Giáo sư người Pháp dùng làm nơi dạy tiếng Pháp cho học sinh bản xứ, ngôi nhà sau đó là nơi ở Tổng Bí thư Lê Duẩn. Biệt thự có 6 kiến trúc trang nhã, có cây xanh bao quanh, hài hòa.

Không xa ngôi nhà Tổng Bí thư Lê Duẩn từng sống là nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số nhà 30 với một khoảng không gian rộng có rất nhiều cây xanh. Khi Đại tướng từ trần đã có hàng đoàn người đứng xếp hàng dài trên đường Hoàng Diệu chờ vào viếng Đại tướng. Đây có lẽ là một trong những ngôi nhà trong nội thành Hà Nội có nhiều cây xanh nhất, có thể nghe thấy tiếng chim hót líu lo.

Một ngôi nhà đáng chú ý nữa trên phố Hoàng Diệu, cùng dãy với nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ngôi nhà của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô ở số 34. Trịnh Văn Bô là một nhà tư sản dân tộc buôn bán trên phố Hàng Ngang, người đã cống hiến rất nhiều tiền của cho Cách mạng thời kỳ trứng nước và bản thân ông Trịnh Văn Bô sau này cũng làm việc cho Cách mạng và tên ông bây giờ đã được đặt cho một con đường ở Hà Nội.

Nơi cấm địa tôn nghiêm

Trên đường Hoàng Diệu còn một số địa điểm đáng chú nữa, đó là cổng phía Tây vào Hoàng thành Thăng Long, nơi người Pháp đặt hai khẩu thần công cổ bên ngoài. Và qua cánh cổng này sẽ đi thẳng vào khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, nơi tôn nghiêm và quan trọng bậc nhất với nền quân chủ phong kiến Việt Nam kéo dài hàng nghìn năm. Bây giờ ta có thể dễ dàng dạo chơi nơi cấm địa tôn nghiêm đó chỉ qua một chiếc cổng nhỏ…

Và cuối cùng người tôi muốn nhắc đến nhân vật được đặt tên đường: Hoàng Diệu. Hoàng Diệu (1832-1882) từng là Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình). Ông là người đã quyết kháng cự quân Pháp đến cùng khi chúng đánh thành Hà Nội vào ngày 25-4-1882. Hai vết đại bác trong trận công thành đó vẫn còn lưu dấu trên mặt thành Cửa Bắc đến bây giờ. Hoàng Diệu tuẫn tiết vì biết không địch lại quân Pháp và quyết không chịu nhục để chúng bắt sống. Nơi ông tuẫn tiết là Võ Miếu, địa điểm rất gần với con đường được đặt tên ông bây giờ. Có lẽ vì thế linh hồn ông sẽ được siêu thoát và thanh thản hơn chăng?!