“Đầu tàu” kinh tế chuyển bánh

ANTĐ - Trong cuộc họp báo cuối năm diễn ra vào rạng sáng 21-12 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama lạc quan cho rằng kinh tế Mỹ sẽ có “những bước đột phá trong năm tới”. Đột phá quan trọng và nổi bật nhất được ông chủ Nhà Trắng khẳng định là lĩnh vực kinh tế khi nhấn mạnh: “Chúng ta bước vào một năm mới với một nền kinh tế mạnh hơn hồi đầu năm ngoái”. 

Nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2014

Việc Tổng thống Obama đưa ra những đánh giá đầy lạc quan về nền kinh tế Mỹ trong năm tới đã dẫn tới những luồng ý kiến trái chiều ở trong nước. Không ít người cho rằng Tổng thống Obama muốn dùng cuộc họp báo quan trọng nhất trong năm để “đánh bóng”, “vực dậy” uy tín xuống thấp chưa từng thấy, song rất nhiều người, nhiều giới lại chia sẻ và tán đồng với đánh giá của ông.

Cuộc thăm dò dư luận diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc họp báo cuối năm cho thấy, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Obama giảm xuống mức thấp chưa từng có sau 5 năm cầm quyền không chỉ với cá nhân ông mà với tất cả các Tổng thống Mỹ nói chung, trừ Tổng thống Richard Nixon (do dính vào vụ tai tiếng Watergate). Theo kết quả thăm dò chung của tờ Bưu điện Washington và hãng ABC News, chỉ có 43% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống Obama so với 55% số người phản đối, trong đó về năng lực điều hành nền kinh tế tỷ lệ này là 42-55%.

Tuy nhiên, rất nhiều người, đặc biệt là các tổ chức và chuyên gia kinh tế lại tỏ ra đồng tình với đánh giá của Tổng thống Obama rằng nền kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc trong năm 2014. Cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành cho thấy hơn 60 chuyên gia kinh tế hàng đầu ở Mỹ dự báo GDP của Mỹ trong năm 2014 có thể đạt 2,6%, tăng mạnh so với mức 1,5% của năm 2012 và khoảng 1,7% của năm 2013. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) còn lạc quan khi cho rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm tới sẽ đạt 2,9%, tăng mạnh so với mức 1,7% của năm nay.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn còn ở mức cao 7% của Mỹ. Theo dự báo của các chuyên gia, số việc làm mới được tạo ra tại Mỹ trong quý I năm 2014 mỗi tháng trung bình khoảng 190.000 và đến quý cuối cùng của năm tới có thể tăng lên mức 208.000 việc làm/tháng so với mức trung bình 193.000 việc làm mới được tạo ra trong những tháng gần đây. 

Nguy cơ đáng kể chặn bước đột phá, theo cách gọi của Tổng thống Obama, hay sự phục hồi nhanh của nền kinh tế Mỹ trong năm tới được giới chuyên gia kinh tế chỉ ra là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm và tiến tới ngừng gói kích cầu kinh tế thứ 3 (QE-3) trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng. Nhưng mối lo lắng này phần nào được giải tỏa khi bà Janet Yellen, người sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch FED từ 1-2-2014, cam kết tiếp tục duy trì QE-3 nhằm hỗ trợ đà phục hồi vẫn chưa chắc chắn của nền kinh tế nước này. 

Là cường quốc kinh tế số một, từng rất nhiều năm đóng vai trò đầu tàu kinh tế thế giới, song Mỹ đã thành một lực cản tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ khi rơi vào khủng hoảng năm 2008. Việc đầu tàu kinh tế này tăng trưởng khả quan sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế toàn cầu trong năm 2014.