Dấu son văn hóa

ANTĐ - Người ta vẫn ví sách là nguồn tri thức vô giá của nhân loại. Khuyến khích người dân đọc sách để tích lũy tri thức, mở mang đầu óc là việc làm hàng ngày, nhất là vào dịp đầu xuân khi Hà Nội khai hội đọc sách, một sự kiện văn hóa khơi dậy truyền thống hiếu học, ham đọc của người dân Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ và phát tiết tinh hoa dân tộc.

Đầu xuân Bính Thân là dịp khai mở các lễ hội lịch sử ôn lại truyền thống hào hùng, oanh liệt của tổ tiên, cha ông trong sự nghiệp bảo vệ và gìn giữ non sông đất nước. Cùng với những lễ hội hành hương, lễ hội cổ truyền mang đậm dấu ấn tâm linh, hướng thiện, hội đọc sách là một hoạt động văn hóa không thể thiếu cho mọi người dân từ giới trí thức, học sinh, sinh viên, trẻ em và cả những người ít có điều kiện cầm cuốn sách trên tay sau những giờ phút lao động nhọc nhằn. Mấy năm nay, Hà Nội đã có những “Chợ sách”, triển lãm sách… thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân.

Năm nay hội đọc sách là điểm nhấn, một dấu son văn hóa để lại cảm xúc, ấn tượng trong lòng người dân. Cha mẹ dắt con cái, ông bà nắm tay cháu, nam nữ, thanh niên, học sinh rủ nhau vào xem sách, chọn mua những cuốn sách hay, bổ ích tặng nhau như một món quà xuân. Thay vì mừng tuổi phong bao lì xì, là một cuốn sách thơm mùi giấy mới. Người yêu sách, mê sách dừng lại hồi lâu khi thấy vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả tiền mua sách cho một cháu bé như người cha mua sách tặng con nhân ngày đầu xuân.

Có lẽ, cháu bé cũng không thể biết người mua sách tặng mình là ai nhưng đây sẽ là món quà độc đáo đối với đứa trẻ lần đầu tiên được nhận và sẽ giữ mãi. Còn với bậc phụ huynh, với người dân, cử chỉ tuy nhỏ ấy của Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại xóa nhòa đi khoảng cách, nó gần gũi, thân quen như những cuốn sách với con người vậy! 

Đại văn hào Maksim Gorky đã từng nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.  Thật vậy, người ta thường nói sách là người bạn chung thủy theo suốt cuộc đời mỗi con người. Đọc một cuốn sách là khai tâm, khai trí, hơn thế còn tích lũy tri thức, biết cách sống có ích, biết cách ứng xử trong cuộc sống. Xây dựng thói quen đọc sách phải bắt đầu từ người làm cha, làm mẹ cho đến con cái. Cục Xuất bản, in ấn và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố những con số ấn tượng: Năm 2015 đã xuất bản hơn 24.000 cuốn sách với hơn 270 triệu bản; 375 loại văn hóa phẩm với 22 triệu bản, tổng doanh thu đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhìn vào con số này, nhiều người vội mừng vì cho rằng 2.000 tỷ đồng là số tiền lớn, đặc biệt có ý nghĩa khi chi cho việc đọc sách và lĩnh hội tri thức. Song khi đặt cạnh những con số khác thì không khỏi giật mình: có tới 26% dân số Việt Nam hoàn toàn không đọc sách; 44% thỉnh thoảng cầm một cuốn sách lên đọc và 30% đọc sách thường xuyên. Ở các nước Âu, Mỹ trung bình mỗi người đọc 12 cuốn sách một năm. Ở Nhật Bản, một người một tháng đọc hết một cuốn sách. Trong khi đó, người Việt dành khoảng 2,5 tiếng mỗi ngày trên Facebook, gấp đôi thời gian để xem tivi và gấp nhiều thời gian dành để đọc sách. Rõ ràng, việc mở hội đọc sách bên thềm xuân Bính Thân có ý nghĩa thật sâu sắc nên duy trì mãi mãi như những lễ hội truyền thống khác.