Đâu rồi bữa cơm gia đình?

ANTĐ - Người ta thường nói: chỉ cần nhìn vào cái bếp là biết gia đình đó có hạnh phúc hay không? Đủ thấy, cái bếp và bữa cơm gia đình quan trọng như thế nào...

Câu chuyện thứ nhất  (Ghi theo lời kể của anh Nguyễn Văn T. - Phú Xuyên , Hà Nội)

- Cậu à, tối nay nấu thêm cho chị bát cơm, chị lại qua nhà chú nhé.

Người vừa gọi cho tôi trong điện thoại là chị Mùi - chị gái của tôi. Nhà chị ở cách đây có dăm chục mét, người đầu làng, người giữa làng. Nghe chị nói, tôi biết ngay là chị lại buồn. Cũng tội, nhà có 4 người thì 3 người không về ăn cơm với chị.

Chỉ mươi phút sau, tôi đã thấy bóng chị ngoài cổng. Rồi tiếng chân chị bước đi, nặng trĩu ưu tư. Qua gian bếp nhà tôi, chị bảo: "Nhìn cảnh cậu mợ mà tôi thèm..."

Chẳng phải thiếu thốn gì để mà chị gái phải đi "ăn trực" em trai. Chị bảo: "Tôi sang đây để có tiếng người, để được cảm nhận chút không khí gia đình chú ạ".

Vợ tôi dọn mâm ra. Chị nào có ăn được gì. Độ một bát cơm xới non thôi nhưng chị ăn mãi không hết. Đôi lúc, tôi thấy chị cứ mải ngồi ngắm vợ chồng, còn cái tôi. Lúc thì chị cười góp vào câu chuyện của lũ trẻ, lúc thì chị thần mặt ra, thở dài thườn thượt. Thương chị, vợ tôi bảo: "Hay là từ nay, chị cứ sang hẳn đây ăn cơm với vợ chồng chúng em. Khi nào bố con anh ấy sum họp thì chị lại về đó nấu cơm. Anh chị em ruột thịt với nhau cả, đi đâu mà thiệt. Chị đừng ngại ngần chuyện tốn kém. Chị cho nhà em nhiều, chứ ăn của vợ chồng em mấy đâu".

Nghe đến đây, chị tôi rưng rưng, nói: "Không phải tôi ngại gì. Nhưng kia vẫn là nhà, tôi mà đi nữa thì cái bếp khéo cả năm không đỏ lửa".

Chuyện của chị tôi thế này. Anh chị lấy nhau, sinh được 2 người con. Ngày trước, nhà anh chị cũng khốn khó lắm. Chị bán hàng ngoài chợ, anh làm thợ mộc, hai con trứng gà trứng vịt đang tuổi ăn tuổi lớn. Cả ngày nhà chị chỉ trông chờ vào hai bữa cơm chính là buổi trưa và buổi tối (sáng ra phải nhịn đói). Mà mâm cơm cũng nào có gì. Cơm nấu bằng thứ gạo "tròn tròn" vừa khô vừa cứng. Bát canh rau loãng, chút thịt bèo nhèo cắt mỏng bố mẹ nhường cả cho các con. Vậy mà hôm nào cả nhà chị cũng ăn vui vẻ. Lũ trẻ đi học, bụng đói cả sáng, tan trường ra chỉ nhanh nhanh chóng chóng về nhà rúc xuống bếp trực cơm. Anh chị cũng vậy, trông vào bữa trưa để no bụng làm tiếp buổi chiểu. Rồi đến bữa tối, mẹ nấu cơm, con trải chiếu, bê bát dọn mâm. Mỗi người mỗi chuyện lúc nào cũng vui như Tết.

Thời đó, nhà chị còn đun bằng bếp củi, bếp rơm. Những hôm trời mưa, nấu được bữa cơm thì vất vả lắm. "Nhưng, ngày đó xem ra vậy mà hạnh phúc, cậu mợ ạ" - mấy lần chị tâm sự với chúng tôi như vậy.

Rồi dần dần, cuộc sống của dân làng tôi khá lên nhờ đất đai lên giá. Nhà chị cũng cắt đi một khoảnh, bán được ít tiền. Anh chị xây luôn ngôi nhà kiên cố 3 tầng, nghĩ là để làm cơ ngơi truyền lại cho các con sau này. Không còn cần phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa, anh rể tôi bỏ nghề thợ mộc vất vả, hít bụi gỗ đến ung phổi. Sau anh xin được chân bảo vệ tại một công ty trên thị xã. Đó cũng là lúc các cháu tôi tốt nghiệp THPT và lần lượt theo học cao đẳng.

Chị buồn buồn: "Trước, nhà chật nhưng lúc nào cũng đông người. Giờ, nhà to mà hóa hiu quạnh".

Vì công việc, anh tôi thường xuyên vắng nhà, nhiều khi còn ngủ lại luôn cơ quan để đỡ mất công đi đi về về. Các cháu thì ở lại ký túc xá, một tuần về nhà có 2 ngày cuối tuần. Chỉ còn mình chị ở lại trông nhà. "Năm đó, tôi nghĩ thôi thì vì hoàn cảnh phải chấp nhận, các con đều bận rộn, không lẽ bắt chúng hàng ngày về nhà chỉ để ăn bữa cơm" - chị nói.

Thế là bao nhiêu tâm huyết, chị dồn cả vào ngày cuối tuần. Thời khổ, quanh đi quan lại chỉ biết canh rau, đậu bằm, nay thì chị đầu tư nấu món này món nọ. Những, mâm cơm đủ chất bày lên, đợi tới quá trưa đã nguội lạnh thí đứa lớn mới về, chỉ đụng đũa lấy lệ. Đứa nhỏ thì gọi điện thông báo cắt cơm nhà để đi chơi với bạn. Chị giận thì các con chị bảo: "Mẹ ơi, thời buổi nào mà mẹ phải câu nệ bữa cơm gia đình. Bọn con cũng cần có quan hệ riêng, cả tuần rảnh có 2 ngày mà lúc nào cũng về nhà với mẹ thì còn làm gì được nữa".

Cứ cái lý đừng "câu nệ" bữa cơm gia đình mà nhà chị bây giờ mỗi người mỗi ngả. Chồng chị cũng tiện đâu ăn đó, tiện đâu ngủ đó. Chỉ có chị là buồn, cơm nấu ra chẳng có ai ăn. Đến bữa, hoặc là chị thui thui một mình, hoặc là sang nhà tôi ngồi cho đỡ buồn. Mấy lần tôi an ủi: "Thôi chị ạ, thời buổi hiện đại nó thế". Chị gạt nước mắt: "Biết thế nhưng sao tôi vẫn thấy hẫng hụt thế nào. Gia đình mà không có bữa cơm, còn đâu gia đình nữa cậu ơi".

 

Câu chuyện thứ 2 (Ghi theo lời kể của bạn trẻ Phạm Dung - Nhân viên một Tổ chức Phi chính phủ)

Ngồi trước mặt chúng tôi - những chuyến gia tư vấn tâm lý là một cô gái trẻ. Cô đến để nhờ chúng tôi cho lời khuyên nhằm cứu vãn cuộc hôn nhân của mình.

Chẳng cần phải tìm hiểu nhiều, chúng tôi đã nhận ra ngay sự rạn nứt trong cuộc sống gia đình cô đến từ đâu. Cô tốt nghiệp một trường đại học khá có tên tuổi, lại có 3 năm du học tiếp ở nước ngoài. Nhìn vẻ bề ngoài, chúng tôi đã biết ngay đó là cô gái cá tính, năng động. Chẳng thế mà tốt nghiệp đại học gần 10 năm, cô vẫn chưa chịu lấy chồng. Ngoài giờ làm việc, cô thích đi phượt xe máy phân khối lớn, nhảy dù, tham gia hội thiên văn. Tính cách của cô khá thoáng và rất... Tây. Cô ghét sự ràng buộc, trách nhiệm.

Ngoài 30 tuổi, khi gia đình giục giã, cô mới đồng ý lấy chồng. Chồng cô là anh bạn học cùng đại học với cô thuở trước, trong khi cô mạnh mẽ bao nhiêu thì anh chồng lại thư sinh, nhã nhặn bấy nhiêu. Từ quen đến thân, từ thân đến rất thân và yêu nhau lúc nào không hay, cô đồng ý lấy anh vì nghĩ rằng không thể tìm được người nào thích hợp hơn nữa. Ít ra thì chồng cô cũng đã biết cô từ rất lâu rồi. Anh hiểu sở thích, tính cách của cô. Mọi người trong gia đình cô cũng tìm cách vun vén cho đôi trẻ. Bố mẹ cô nói: "Cô và chồng là hai thái cực nhưng sẽ bù đắp phần thiếu hụt và bổ sung thế mạnh cho nhau".

Nhưng, cô không thể ngờ rằng, trước kết hôn, cô tự do bao nhiêu thì sau đám cưới, cô lại bị "trói buộc" đến thế. Hết giờ đi làm, thay vì có thể thoải mái đi shopping, đi uống cà phê cùng bạn bè, thậm chí hứng lên là vào một quán rượu, làm vài chén ngắm đường phố tới khuya, nay chồng cô muốn cô về nhà nấu cơm, đóng vai người vợ đảm. Một ngày, hai ngày cô làm theo nấu cơm xong rồi chờ chồng về, nhưng đến ngày thứ ba thì cô bắt đầu phản kháng. Cô tự hỏi vì sao mà chỉ có hai vợ chồng thôi lại phải bày vẽ cơm nước và ăn cùng một món như vậy nhỉ. Tại sao họ không ra quán, ai thích ăn gì thì gọi có phải thoải mái hơn không?

Và cô quyết định không nấu cơm. Cô đi siêu thị, mua về một lô đổ ăn sẵn, bỏ vào tủ lạnh để chồng cô ăn khi muốn. Cô nói nấu bếp giết chết thời gian của người phụ nữ. Họ sẽ không còn có thể nghỉ ngơi, thư giãn sau cả ngày làm việc vất vả. Trong khi đó, chồng cô lại cho rằng bữa cơm - dù chỉ có hai người - cũng là hương vị của hạnh phúc. Chính bữa cơm làm nên một tổ ấm.

Vì thế mà họ xung đột. Anh bắt đầu chán về nhà hơn. Cô tấm tức: "Trước đây anh ấy vui vẻ và tỏ ra tâm lý bao nhiêu thì nay lại trở nên kỹ tính bấy nhiêu. Chồng tôi khó chịu khi tôi đi phượt dài ngày, bức xúc khi tôi bỏ ra hàng tiếng ngắm trăng nhưng lại không thể dành ra 15 phút nấu đồ ăn sáng. Nhưng, tôi cho rằng, nhà là nơi mình có thể sống thoải mái và đúng với bản năng nhất. Nếu về nhà mà vẫn không thể làm những gì mình thích thì đâu còn là nhà nữa".

Chúng tôi đã nói với cô rằng, đừng nghĩ bữa cơm gia đình chỉ là nơi mọi người bỏ cái gì đó đầy vào bụng. Ăn một bữa cơm gia đình, người ta có thể cảm nhận được tình cảm mà người vợ, người chồng gửi gắm vào đó. Bữa cơm đoàn tụ là nơi mà mỗi người cảm thấy ấm áp và bình yên khi được sống bên nhau, được thấy nhau trở về nhà mạnh khỏe, bình an. Sự gắn kết, tình cảm vợ chồng, con cái - sẽ từ những bữa cơm - tưởng như toàn là cá thịt ấy tăng lên và thêm bền chặt. Và còn nhiều nữa, những gì mà bản thân tự mỗi người suy nghĩ, cảm nhận.

Chẳng biết cô có hiểu được những điều mà chúng tôi chia sẻ với cô không. Nhưng, chúng tôi vẫn hy vọng, tối nay, cô sẽ đứng bếp nấu một bữa cơm thật ngon cho chồng mà trong lòng không thấy đó là cực hình nữa.