Đầu năm về làng ... đánh vợ

ANTĐ - Làm chậm cũng đánh, không nghe lời cũng đánh, cơm nấu không ngon cũng đánh, thậm chí chẳng vì lý do gì cũng… đánh vợ. Có người còn trói vợ bằng dây điện, gí vào ổ để điện giật, có người giữa cánh đồng nhét phân bò vào miệng vợ… Chuyện chồng đánh vợ đã trở thành chuyện thường ngày ở làng quê này.

Ở một ngôi làng mà mỗi năm có tới 70 vụ bạo lực gia đình, một ngôi làng mà khi hỏi những người đàn ông “ở đây có ai đánh vợ không” thì chỉ có duy nhất một người không đánh vợ! Những chuyện đó đã khiến cho ngôi làng ấy trở nên nổi tiếng như một địa danh của những người đàn ông đánh vợ. Ngôi làng ấy được nhắc đến không phải bởi tên làng, tên xóm cụ thể mà người ta vẫn gọi bằng cái tên: Làng đánh vợ!''

Những ngày giông bão

Ở cái làng quê ấy, bạo lực gia đình đã trở thành chuyện cơm bữa. Những người phụ nữ  nông thôn vất vả một nắng hai sương lại gầy còm, tiều tụy đi vì bị chồng đánh. Những người đàn ông thì suốt ngày rượu chè bê tha, say xỉn, đánh vợ triền miên. Điển hình là anh Nguyễn Văn Toàn và chị Nguyễn Thị Nhài. Cả hai vợ chồng cùng làm ruộng. Anh Toàn trước là công nhân nhưng do sức khỏe yếu nên bỏ việc về quê. Động một tí là anh đánh vợ. Lần đánh vợ gần đây nhất là hôm hai vợ chồng đi cuốc cỏ lúa ngoài đồng. Gần trưa, anh Toàn bảo chị Nhài về nấu cơm. Chị Nhài cố làm thêm vài nhát cuốc nữa thì anh Toàn bực mình nghĩ vợ cố tình chống đối, không biết nghe lời chồng nên xông tới túm tóc vợ dúi vào bờ ruộng. Sẵn thấy bãi phân bò gần đó, anh Toàn vớ luôn phân bò nhét vào mồm vợ.

Vợ chồng anh Vũ Văn Yên và chị Phạm Thị Hạ cũng có một thời giông bão. Dù đã sống với nhau 15 năm, có 2 đứa con nhưng chị Hạ chưa một ngày hạnh phúc. Dăm ba ngày chị lại phải nhận những cơn đòn roi vô cớ của chồng. Chính anh cũng tự nhận mình là người đánh vợ nhiều nhất thị trấn Thanh Nê. Suốt ngày chìm trong cơn ma men của rượu, về đến nhà là anh gây gổ, đánh chửi vợ con. Sau những cơn say rượu của anh, chị Hạ chỉ biết ôm con ngồi khóc ở góc bếp, đau buồn khi nghĩ rằng không biết đến bao giờ mới chấm dứt được cảnh này. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Lài lại có nỗi khổ khác. Anh Hưng, chồng chị thèm một đứa con trai mà đến lần mang bầu thứ 3 chị đi siêu âm vẫn là con gái. Bực tức anh Hưng suốt ngày uống rượu, gây sự với vợ con. Thậm chí vợ mang bầu anh còn bắt chị đi phun thuốc sâu, bê những bao thóc 20-30kg. Vợ động cãi lại là anh cho cái bạt tai nảy đom đóm mắt. 

Một cặp vợ chồng cũng một thời đầy bão tố là chị Nguyễn Thị Hoài và anh Phan Văn Mừng. Chị Hoài bị anh Mừng đánh suốt ngày. Đang ngồi xem ti vi mà vợ đi qua đi lại, thay vì chuyển đến chỗ ngồi không vướng lối đi hoặc góp ý với vợ thì anh Mừng xông vào đấm đá vợ túi bụi. Nhà nuôi gà tránh sao khỏi việc gà bậy ra sân nhưng anh Mừng hễ dẫm phải bãi phân gà là thế nào cũng tìm bằng được chị Hoài để “trị” tội. Một lần, chị Hoài đang ngồi bên nhà hàng xóm, anh Mừng đã đùng đùng chạy sang, vừa chửi, vừa giơ bàn chân đầy phân gà đạp vào người vợ. 

GS Lê Thị Quý - Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cũng cho biết, trong một buổi ngồi nói chuyện với khoảng 15 người chồng ở thị trấn Thanh Nê, bà hỏi: “Trong số các anh đây có ai đánh vợ không” thì một người trong họ đứng lên nói: “Trừ một người, còn lại tất cả đều đã đánh vợ”. Tiếp tục hỏi lý do vì sao lại đánh vợ thì hầu hết đều không đưa ra được lý do gì xác đáng. Họ xem đánh vợ là bình thường vì người chồng có quyền được “dạy vợ” khi vợ không nghe lời. 

Và một hiện tại khác

Thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình những ngày mùa đông này thật yên bình. Những con đường rải nhựa thẳng tắp, những ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên san sát. Phía xa là cánh đồng lúa rộng mênh mông. Nhà nhà hối hả làm việc để chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán sắp tới. Ít ai có thể nghĩ rằng ngôi làng này trước đây vốn “nổi tiếng” bởi những câu chuyện về những người đàn ông đánh vợ. Năm vừa qua, nơi đây còn trở thành một trong hai đơn vị điển hình được Quốc hội lấy làm căn cứ xây dựng Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình. 

Ngày hôm nay, trong những thôn xóm ở thị trấn này không còn  nghe thấy tiếng la hét đánh chửi nữa. Những người đàn ông một thời đánh vợ đã trở thành hội viên của CLB những người chồng đảm đang. Chính anh Vũ Văn Yên cũng nói: Sau hai năm tham gia CLB Những người chồng yêu vợ của thị trấn Thanh Nê, tôi đã từ bỏ được thói quen đánh vợ, học cách tôn trọng và lắng nghe ý kiến của vợ. Đó là những bài học đầu đời đáng giá nhất khi đã bước vào tuổi tứ tuần. Bài học dễ vô cùng nhưng chẳng mấy ai là đàn ông nhận ra. Sau gần 15 năm lấy vợ rồi làm bố của hai đứa con, giờ đây tôi mới cảm nhận được, mới thấm thía được hai chữ “hạnh  phúc” một cách trọn vẹn. Tôi đã từng là người đánh vợ nhiều nhất ở cái thị trấn Thanh Nê này. Nhưng từ năm 2004, tôi được mời tham gia vào câu lạc bộ, qua sinh hoạt tôi đã hiểu ra nhiều điều và thấy mình đã sai.

 Nhận thấy sự cần thiết của việc “giáo dục tư tưởng” này,  anh Tân đã tình nguyện làm một tuyên truyền viên tích cực cho CLB. Chính anh đã đi vận động những người đàn ông hay đánh vợ từ bỏ thói quen này để cùng vợ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Bản thân anh cũng yêu thương, chăm sóc, chia sẻ mọi việc với chị Hạ. Giờ đây, câu chuyện đánh vợ chỉ còn là quá khứ buồn của gia đình anh chị.

Không chỉ có anh Tân mà anh Toàn, người đã từng nhét phân bò vào mồm vợ giờ cũng hoàn toàn đổi khác. Trước đây vì anh Toàn suốt ngày lăm le đánh vợ nên vợ chồng lúc nào cũng căng thẳng, chẳng còn thời gian để nghĩ ra kế sách gì kiếm sống. Bởi vậy, nhà đã nghèo càng trở nên nghèo hơn. Sau mỗi lần đánh vợ, anh Toàn thường phải chịu đựng bầu không khí ngột ngạt từ sự câm lặng của vợ. Anh cũng thường xuyên phải nhịn cơm vì hai nhẽ: Một là chị Nhài bỏ về nhà mẹ đẻ không ai nấu cơm cho. Hai là… tức không thể nuốt nổi cơm vì nhỡ có hỏi câu gì đó, chị Nhài cậy răng cũng không nói nửa lời.  Càng đánh vợ thì mình càng mệt mỏi, tiền bạc càng túng thiếu. Không những vợ không nghe lời mà ngay cả con cái cũng chống đối lại.

Tuy nhiên kể từ ngày được vận động tham gia câu lạc bộ, anh đã không còn đánh vợ nữa. Có chuyện gì thì hai vợ chồng cũng chia sẻ, bàn bạc. Anh cũng chuyên tâm chăm lo nhà cửa, ruộng vườn hơn. Vì thế không khí gia đình lúc nào cũng đầm ấm, vui vẻ, kinh tế gia đình phát triển do cả hai vợ chồng đều yên tâm làm ăn. Anh bảo: Đánh vợ là việc đáng xấu  hổ nhất. Người vợ là người sinh con cho chúng ta, nuôi con cái ăn học, vun vén nhà cửa,  một sớm hai sương tảo tần, hy sinh tất cả vì chồng con. Hàng ngày người vợ cũng là người nấu cơm cho ta ăn, khi ta ốm đau thì chăm sóc. Vì vậy phải yêu thương, biết ơn vợ mới đúng. Trước đây tôi đã sai khi tự cho mình cái quyền đánh vợ để không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, vợ con, người thân khinh rẻ. Nói dại nếu như còn tiếp tục đánh vợ thì chẳng may xảy ra chuyện gì thì ân hận suốt đời, lúc đó gia đình tan nát, con cái mồ côi. Vì vậy tôi cho rằng việc thành lập CLB những người đàn ông yêu vợ tại cái vùng quê này là một dự án tuyệt vời. Nhờ có chương trình này mà tôi mới nhận ra sự u mê của mình. Từ ngày không đánh vợ nữa thì mọi việc lại đâu ra đấy. Vợ chồng giờ làm thêm nghề làm đậu phụ và nuôi lợn đàn. Ăn tiêu rồi cũng tiết kiệm được vài ba chục triệu/năm. Hai đứa con giờ ngoan lắm, chúng không còn cãi bố như trước nữa.

Mô hình ý nghĩa và thiết thực

CLB Những người chồng yêu vợ do Hội Phụ nữ thị trấn Thanh Nê thành lập cung cấp các kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình…Cứ vào tối thứ bảy hàng tuần, “lớp học làm chồng” của thị trấn Thanh Nê thu hút 40 - 50 anh em. “Khi anh em cùng chia sẻ, cùng tháo gỡ cho nhau, họ lại trở về hiền như cục đất ấy”. Chị Vũ Thị Tôn, Chủ tịch Hội phụ nữ chia sẻ: Như anh Tân, ngày đầu vào vận động anh ấy khó lắm. Lúc say thì anh ấy nhất định không ra mở cổng. Lúc tỉnh thì anh ấy còn thả chó ra. Sau thấy tôi dọa đến luật, anh ấy mới ra tiếp chuyện. Từ đó về sau cứ tỉ tê rồi vào học cả lớp “những người chồng đảm đang”, một lớp học nhỏ do Hội Phụ nữ địa phương tạo nên để dạy... làm chồng, nên dần dà anh ấy đổi tính đổi nết được như này. Những thành viên trong CLB cũng chính là những người đã từng đánh vợ nhưng đã tự sửa sai và đi tuyên truyền, vận động những người đàn ông khác. Không chỉ có anh Tân mà 100% những người chồng đã từng đánh vợ ở thị trấn Thanh Nê và Vũ Lạc (Kiến Xương, Thái Bình) nơi trung bình mỗi năm xảy ra trên 70 vụ bạo lực gia đình, chủ yếu là chồng đánh vợ sau khi tham gia CLB những người chồng yêu vợ đã thay đổi hoàn toàn. Có những người lúc đầu chần chừ không tham gia, thậm chí có người trốn tránh phải nhờ đến công an mới chịu đến CLB nhưng cuối cùng, khi đã hiểu ra rồi thì họ lại là những người tham gia CLB một cách tích cực và thường xuyên nhất. 

Vừa qua, tại tọa đàm “Nâng cao vai trò của nam giới trong phòng chống bạo lực gia đình” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Hội Nông dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội, vợ chồng anh Vũ Văn Yên và chị Phạm Thị Hạ ở thị trấn Thanh Nê cũng được mời đến nói chuyện về chính câu chuyện bạo lực gia đình của họ. Nhờ mô hình này mà thị trấn Thanh Nê và xã Vũ Lạc, đã trở thành hai đơn vị điển hình được Quốc hội lấy làm căn cứ xây dựng Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình. 

Một sự thật là trong những gia đình có bạo hành thì người phụ nữ thường nảy sinh lòng căm thù. Họ có thể nhẫn nhịn nhưng sự căm thù luôn âm ỉ trong lòng. Đến một lúc nào đó, hành động đánh chửi của các ông chồng vẫn được coi là bình thường như mọi ngày nhưng nó lại trở thành giọt nước tràn ly. Hậu quả thường không thể lường hết. Vì vậy để ngăn chặn bạo lực gia đình, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền, Hội phụ nữ địa phương… trong đó mô hình CLB những người chồng yêu vợ có thể xem là một mô hình có nhiều ý nghĩa. 

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 34% số phụ nữ đã có gia đình bị chồng bạo hành (tức là trung bình cứ 3 người phụ nữ đã kết hôn có một người đã từng bị chồng bạo hành). Tuy nhiên, đa phần nạn nhân vẫn im lặng dù năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống Bạo lực gia đình. Sự im lặng có nhiều lý do nhưng tựu trung lại là sự yếu mềm và lòng vị tha của người phụ nữ. Vấn đề thay đổi trong tư duy và cách ứng xử trong gia đình là rất bức thiết.