Dấu hỏi lớn sau tai nạn ở Zone 9

ANTĐ - Một quán bar ở Zone 9 cháy, 6 người thiệt mạng. Hơn 1 tháng trước tại đây, một đôi nam nữ vì mải mê chụp ảnh, sập lan can, ngã bất tỉnh… Đó là những tai nạn đáng tiếc mà khi mới khai trương khu nghệ thuật - giải trí - dịch vụ này, không ai lường trước được. Sự cố kinh hoàng hôm 19-11 đã khiến không ít người đặt ra câu hỏi, có nên “khai tử” Zone 9 hay không? 

Một góc “Hợp tác xã nghệ sĩ”

“Hợp tác xã nghệ sĩ”

Sở dĩ người ta đặt tên cho cái khu nhà cũ thuộc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 bằng cái tên rất “Tây” - Zone 9 là bởi khu nhà này ở số 9 phố Trần Thánh Tông. Mặt còn lại trông sang phố Nguyễn Huy Tự. Những người có sáng kiến dựng lên một Zone 9 hôm nay đa phần thuộc giới nhiếp ảnh, kiến trúc sư, họa sĩ điểm mặt thì có Đoàn Kỳ Thanh, Nguyễn Quý Đức, Trần Vũ Hải, Vũ Đăng Hùng…

Gọi là khu nghệ sĩ là bởi nghệ sĩ về đây mở xưởng vẽ, studio, thiết kế thời trang, điêu khắc, cửa hàng ăn uống, cà phê, bar… rất nhiều. Nơi đây có xưởng dạy họa của Khúc Ngọc Minh, Cẩm Phương, Trung tâm nhạc đương đại của Kim Ngọc, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng chuyển văn phòng của mình về đây. Nhiếp ảnh gia Jundat cùng biên tập viên âm nhạc Chu Minh Vũ lập nên 789 Space khác lạ… Rồi quán cà phê sách của cô gái chuyên hát nhạc Trịnh Nguyệt Ca… Chính vì thế, chỉ tròn 4 tháng đi vào hoạt động, “Hợp tác xã nghệ sĩ” này đã nổi như cồn. Đã từng có rất nhiều các hoạt động triển lãm, hội chợ từ thiện… được tổ chức ở nơi này, và thu được những thành công nhất định. Có người lạc quan nghĩ, đây có thể trở thành không gian nghệ thuật kiểu mẫu của Hà Nội.

Mạo hiểm và nguy hiểm

Như đã nói ở trên, Zone 9 là một khu nhà xưởng cũ của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2. Nhà được xây vào năm 1959-1960 bằng bê tông cốt thép. Sau khi có chính sách dịch chuyển các khu công nghiệp ra khỏi nội thành, khu nhà này cũng được chuyển đổi chức năng sử dụng. Từng là khu công nghiệp, nhưng Zone 9 khá giống với những khu tập thể được xây dựng trong thời điểm đó. Sau này, khi thuê lại từ một công ty kinh doanh bất động sản, các nghệ sĩ, kiến trúc sư đã tận dụng triệt để yếu tố xưa cũ của khu nhà để tạo điểm nhấn và sự khác biệt cho không gian nghệ thuật. Những mảng tường tróc lở, rêu phong vẫn được giữ nguyên, lan can cầu thang gỉ sét vẫn được tận dụng.

Ví như khi thiết kế Barbetta - một quán bar-cà phê, chủ nhân của nó là Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh vẫn cố giữ cho bằng được hệ thống ống nước làm điểm nhấn cùng bức tường kính rất đặc trưng của kiến trúc thập niên 60. Đã có rất nhiều người ngỡ ngàng về bức tường kính này và tìm gặp Đoàn Kỳ Thanh hỏi cho bằng được, đấy là nguyên bản hay là phục chế lại. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh khẳng định, anh cố giữ nguyên bản, những gì mà ngôi nhà đã từng có. Khi đầu tư vào đây, nhiều nghệ sĩ coi đây là một cuộc chơi và tình nguyện chấp nhận mạo hiểm với túi tiền của mình, hợp đồng cho thuê ký không dài và không ai biết lúc nào thì “Hợp tác xã nghệ sĩ” ngự trên miếng đất vàng giữa trung tâm Thủ đô chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Cái sự mạo hiểm của các nghệ sĩ khi đầu tư vào đây nhiều người nhìn thấy rõ, nhưng còn nguy hiểm thì có lẽ không ai lường trước được. Cách đây chừng hơn 1 tháng, có đôi nam nữ rủ nhau vào Zone 9 chụp ảnh. Chẳng hiểu dựa vào lan can thế nào mà sập, cú ngã từ độ cao khiến cô gái bất tỉnh. Khi đó cư dân mạng xã hội đã lao xao bàn về sự an toàn của những ngôi nhà ở nơi này. Và giờ thì thêm một sự việc đau lòng xảy đến. 6 người chết trong một vụ cháy không lớn chiều 19-11, câu hỏi đặt ra tại đơn vị thi công, chủ đầu tư không đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ hay tại sự quá “đát” của Zone 9?

Cần rà soát lại

“Phen này thì đóng cửa Zone 9 rồi nhé!”. Trên những trang mạng cá nhân, không ít người chia sẻ về cảm giác của mình khi đặt chân đến những ngôi nhà cũ, sự rùng mình khi bước lên cầu thang mà lan can dập dềnh như đi… cầu khỉ. Cũng lại có rất nhiều kiến trúc sư lên tiếng, khẳng định sự an toàn của khu nhà cũ. Hay nói như lời của Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, sự an toàn của Zone 9 còn hơn rất nhiều những ngôi nhà trong phố cổ. “Việc đầu tiên khi tôi đầu tư vào Barbetta là phải tìm hiểu xem công trình này kết cấu có bền vững hay không” - Đoàn Kỳ Thanh khẳng định!

6 công nhân trong khi hoàn thiện một quán bar đã thiệt mạng. Có thể cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình xây dựng? Chủ đầu tư bar đó trách nhiệm đến đâu? Đơn vị thi công đã coi thường an toàn phòng chống cháy nổ thế nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc này?

Nếu Zone 9 đóng cửa thì đó cũng là điều đáng tiếc. Tìm đâu ra một không gian nghệ thuật cho giới trẻ, trong khi Hà Nội đất càng ngày càng chật, người càng ngày càng đông. Chuyện biến những nhà xưởng cũ thành không gian nghệ thuật từng được các nghệ sĩ châu Âu khởi xướng và thực hiện cách đây cả mấy chục năm, họ làm thành công và an toàn, còn ở ta sao lại không? Vấn đề ở đây có lẽ nằm ở khâu quản lý. Rất cần sự vào cuộc của các chuyên gia xây dựng, kiến trúc, đánh giá lại mặt bằng hiện trạng, nó có thực sự an toàn và bền vững hay không? Việc tự ý sửa sang, thêm bớt một vài hạng mục trong khuôn viên được thuê có ảnh hưởng gì đến độ bền vững của cả ngôi nhà, trong khi công trình này đã được xây dựng từ hơn 50 năm trước? 

Một không gian nghệ thuật hiếm có nhưng nếu không quản lý nổi mà buông lỏng hay tự phát thì... sẽ còn có nhiều chuyện xảy ra.