Dấu hiệu hình sự trong vụ việc thuê người chặt chân tay mình để trục lợi bảo hiểm

ANTD.VN - Luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ góc nhìn pháp lý, liên quan đến vụ việc gây rúng động dư luận tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Theo thông tin báo chí, để trục lợi bảo hiểm, chị N. đã thuê anh D. chặt tay, chân của mình để có thể được thanh toán quyền lợi bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó. Sự việc đang được CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội điều tra, xác minh theo thẩm quyền.

Về lý luận pháp lý, tuy hành vi của chị N. và anh D. thực hiện nêu trên là thủ đoạn gian dối, nhằm mục đích chiếm đoạt trái pháp luật tài sản là tiền bảo hiểm của Công ty bảo hiểm, có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 ("BLHS"), nhưng do họ chưa chiếm đoạt được tiền bảo hiểm, nên hành vi của họ chưa cấu thành tội phạm này và chỉ bị xử lý hành chính theo quy định.

Nhưng hành vi của D. chặt tay, chân của chị N. là có dấu hiệu phạm vào tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 104 BLHS.

Bởi lẽ, trong mọi trường hợp, ngay cả khi được sự đồng ý của người bị tổn hại sức khỏe, pháp luật không cho phép bất kỳ cá nhân nào được gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trái pháp luật. Và với thương tật mất 1/3 bàn chân trái và 1/3 bàn tay trái, tùy vào tính chất mức độ thương tật cụ thể, tỉ lệ thương tật của chị N. sẽ rơi vào khoảng trên 40% (theo bảng tỉ lệ % tổn thương cơ thể do thương tích, kèm theo Thông tư số 20/2014 của Bộ Y tế) và với hành vi "dùng hung khí nguy hiểm", "gây cố tật nhẹ cho nạn nhân", "gây thương tích thuê", thì dù chị N. không có đơn đề nghị xử lý hình sự anh D. về hành vi này, thì anh D. vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Khoản 2, Điều 104 BLHS với khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù.