Dấu hiệu cảnh báo stress nghiêm trọng

ANTD.VN - Mọi người đều có thể bị stress ở thời điểm nào đó trong đời nhưng cần nhận biết được khi nào stress là nghiêm trọng và nằm ngoài tầm kiểm soát. Qua khảo sát 2.000 người trưởng thành, các nhà khoa học Anh phát hiện ra có những người bị stress trong 2 giờ 11 phút một ngày, tương đương 15 giờ một tuần, 33 ngày một năm, 5 năm 6 tháng trong cuộc đời. 

Trong đó, 60% cho biết, họ cảm thấy stress ngay cả khi không làm việc căng thẳng, khi hài lòng với các mối quan hệ, hạnh phúc trong ngày sinh nhật hay Giáng sinh. Đa số họ stress cao nhất ở tuổi 36 dẫn đến mất ngủ và thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo TS Margaret Ritchie, Đại học Tây Scotland, khi cơ thể chúng ta căng thẳng, nó tác động đến sự sinh hóa gây viêm, gây ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị cúm và cảm lạnh.

Dấu hiệu stress trầm trọng

Theo các nhà tâm lý học hàng đầu, cơ thể có dấu hiệu bị stress trầm trọng như: Đánh trống ngực; Khó tập trung; Luôn căng thẳng, mâu thuẫn với những người xung quanh; Không thể ngồi yên, bồn chồn. Một số người ngại quan hệ tình dục, mất ham muốn tình dục, có thể là cả nguyên nhân và hậu quả của stress.

Bên cạnh đó, có người khó chịu dạ dày, vì ruột và não có mối liên hệ với nhau nên nếu bạn bị stress, ruột phản ứng với cơn đau gây táo bón và tiêu chảy. Một dấu hiệu khác là khó ngủ. Khi bạn cảm thấy lo lắng tột cùng, rất có thể bạn cũng sẽ bị mất ngủ vào ban đêm. Cùng với đó, suy giảm chức năng miễn dịch khiến bạn dễ bị cảm lạnh và mắc bệnh nhiễm trùng.

Điều gì xảy ra bị stress nghiêm trọng?

Khi bạn căng thẳng, nhịp tim tăng tốc độ bơm máu tới não, tim, phổi và các cơ bắp. Thở nhanh hơn để cung cấp oxy cho cơ bắp và mồ hôi tăng để ngăn chặn cơ thể quá nóng. Lượng đường trong máu tăng lên đáng kể để nuôi não và cơ bắp và các mạch máu co lại. Stress mạn tính có thể dẫn tới bệnh tim mạch.

Mặc dù mối liên quan này chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng Hội Tim mạch Mỹ chỉ ra rằng stress có thể khiến huyết áp và hàm lượng cholesterol tăng cao, cùng với thúc đẩy các thói quen khác có liên quan tới bệnh tim như hút thuốc, kém hoạt động thể chất và ăn quá nhiều.

Khi bị căng thẳng quá mức, bạn cần làm gì?

- Sử dụng tai nghe loại bỏ tiếng ồn, đặc biệt là nếu bạn đang làm việc trong văn phòng với thiết kế mở. Tiếng ồn khiến bạn khó tập trung và kiểm soát căng thẳng. 

- Chúng ta có thể bị stress chỉ đơn giản là vì làm quá nhiều. Vì vậy, hãy nghỉ ngơi, thư giãn.

- Nấu ăn là cách hiệu quả tập trung tâm trí, kiểm soát stress.

- Nói chuyện với một người nào đó có thể giảm căng thẳng.

- Tránh sự nhàm chán bằng cách hãy làm những việc bạn thích.

- Uống đủ nước, vì mất nước có thể ảnh hưởng đến cả hiệu suất thể chất và tinh thần có thể dẫn đến căng thẳng.

- Và thở ... Chúng ta có xu hướng hơi thở nông khi bị stress, vì vậy bạn có thể giảm căng thẳng bằng cách hít thở sâu qua cơ hoành. Trong bài tập cụ thể, hít thở rất quan trọng. Hít thở sâu qua cơ hoành sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm và mang lại cơ thể và tâm trí sự cân bằng. Từ từ hít vào và đếm đến 3 và sau đó thở ra và đếm đến 3. Khi bạn hít vào thể tích dạ dày tăng lên. Việc tập bài luyện thở này hàng ngày sẽ rất hữu ích giúp bạn kiểm soát stress cũng như lợi ích sức khỏe tổng thể.