Dấu hiệu bất thường của cuộc đua tên lửa hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan

ANTĐ - Chỉ trong vòng hơn một tuần qua, hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan đã liên tục ăn miếng, trả miếng bằng 5 vụ phóng tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, một dấu hiệu bất thường trong những năm gần đây.

Ngày 17-11, Bộ Tư lệnh chiến lược thuộc lục quân Pakistan đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Shaheen 1A (Hatf IV) từ một địa điểm bí mật trên lãnh thổ nước này hướng ra biển Arap ở phía nam, nhưng lại sát vùng biển phía tây Ấn Độ.

Theo Cơ quan Quan hệ công chúng liên quân (ISPR) của quân đội Pakistan, vụ phóng thử loại tên lửa đạn đạo chiến lược có tầm bắn 900km này được tiến hành nhằm đánh giá lại mọi thông số thiết kế và kỹ thuật của hệ thống vũ khí do chính nước này phát triển.

Một vụ phóng tên lửa đạn đạo Hatf-IV của Pakistan

Sau vụ phóng thử thành công này, Tham mưu trưởng hải quân Pakistan, Đô đốc Muhammad Zakaullah đã chúc mừng các nhà khoa học và kỹ sư về những nỗ lực của họ giúp nước này đạt được khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy toàn diện. Ông còn bày rỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào khả năng của các lực lượng vũ trang Pakistan trong việc bảo vệ an ninh đất nước chống lại mọi sự xâm lược.

Một tuyên bố chính thức của quân đội Pakistan cho rằng, Shaheen-1A với độ chính xác cao và hệ thống dẫn đường sản xuất trong nước là một trong những hệ thống tên lửa có độ chính xác nhất trong kho vũ khí chiến lược của nước này.

Trong những tháng gần đây, Pakistan đã tiến hành phóng thử một loạt tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với nỗ lực nhằm tăng cường kho vũ khí hạt nhân để đối phó với kho vũ khí hiện đại hơn của Ấn Độ.

Hôm 13-11, nước này cũng đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Shaheen-II, còn được gọi là Hatf VI, từ một địa điểm bí mật và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.500km.

Tên lửa đạn đạo Agni-II của Ấn Độ

Trong khi đó, nước láng giềng Ấn Độ cũng đã phóng liền 3 quả tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong thời gian này. Hôm 9-11, nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược Agni-II, tầm bắn 2.000km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ một bệ phóng di động trên đảo Wheeler ở ngoài khơi bờ biển bang miền đông Odisha. Cũng tại địa điểm trên, hôm 14-11, Ấn Độ lại phóng thử thành công tên lửa đất đối đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Prithvi II, với tầm bắn 350 km.

Cũng trong ngày 14-11, hải quân Ấn Độ đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo đối đất và đối hạm Dhanush có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do nước này tự chế tạo từ một chiếc tàu chiến đang hoạt động ở ngoài khơi bờ biển phía đông thuộc bang Odisha.

Với các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược theo kiểu ăn miếng, trả miếng này, cuộc đua tên lửa hạt nhân giữa hai nước láng giềng này được cho là đang có những dấu hiệu bất thường khi chúng diễn ra liên tục trong một thời gian ngắn, và trong bối cảnh khu vực biên giới giữa hai nước trong thời gian gần đây thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ giữa quân đội hai bên, khiến tình mối quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng hơn.