Dầu giảm giá sâu, cước vận tải vẫn bất động

ANTĐ - Sau chuỗi tăng giá mạnh, ngày 20-7 vừa qua, xăng dầu đã tiếp tục giảm lần thứ hai trong một tháng. Giá xăng giảm nhẹ, chỉ 260 đồng/lít, nhưng giá dầu diezel đã giảm khá mạnh, 1.112 đồng/lít. Tuy vậy, cước vận tải khách và vận tải hàng hóa không có dấu hiệu giảm. Lý do được đưa ra là bởi phí đường bộ tăng cao trong thời gian gần đây.

Taxi không giảm cước

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, với mức giảm giá xăng như 2 lần vừa qua (giảm 591 đồng/lít), không doanh nghiệp taxi nào có ý định giảm giá cước. Bởi nếu tính tỷ lệ, mức giảm 591 đồng/lít chỉ chiếm khoảng 2% giá xăng. Mức giảm này chưa đủ mạnh để tác động tới giá cước vận tải.  Hơn nữa, kể từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã có 4 lần tăng và 4 lần giảm nhưng giá vẫn cao hơn đợt điều chỉnh cuối cùng của năm 2014.

Cụ thể, qua 4 lần tăng, giá xăng đã tăng thêm 5.040 đồng/lít, trong khi đó, qua 4 lần giảm, giá xăng chỉ giảm 2.800 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã tăng thêm 2.200 đồng/lít so với hồi đầu năm 2015. Còn giá dầu diezel giảm khá sâu khoảng 2.300 đồng/lít. Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, với biến động giá dầu thế giới như hiện nay, nhiều khả năng xăng trong nước sẽ tiếp tục có những đợt giảm giá. Doanh nghiệp vận tải sẽ cân nhắc, nếu mức giảm của giá xăng trong những kỳ tới đủ mạnh, sẽ tiến hành điều chỉnh giá cước. 

Dầu giảm giá sâu, cước vận tải vẫn bất động ảnh 1

Cước vận tải khó giảm vì gánh nặng chi phí đầu vào

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải taxi phía Bắc cho biết, vẫn sẽ giữ nguyên mức cước như hiện nay bởi chi phí để thực hiện điều chỉnh cước đối với các doanh nghiệp không nhỏ. Chủ tịch hãng taxi Hương Lúa, ông Đinh Văn Sáu cho hay, giá xăng chiếm khoảng 40% trong cấu thành giá cước. Ở những lần tăng giá xăng trước đó, doanh nghiệp không tăng cước. Mức giảm giá xăng dầu 591 đồng/lít như vừa qua đã giúp doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng chi phí hơn. Tuy nhiên, mức giảm như trên là rất ít và doanh nghiệp không có ý định điều chỉnh cước. 

Cước vận tải sẽ chỉ có tăng?

Taxi lấy lý do xăng giảm giá nhỏ giọt nên không tính đến việc giảm cước nhưng giá dầu diezel đã giảm sâu, đặc biệt là ngày 20-7 vừa qua đã giảm tới 1.112 đồng/lít nhưng vận tải hàng hóa và vận tải khách tuyến cố định vẫn im lìm. Đại diện các bến xe trên địa bàn Hà Nội cho biết, đến ngày 22-7 vừa qua, chưa có doanh nghiệp nào có thông báo về việc điều chỉnh giá cước vận tải. 

Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên cho rằng, với chi phí đầu vào của ngành vận tải khách và vận tải hàng hóa như hiện nay, cước vận tải sẽ chỉ có xu hướng tăng và rất khó giảm. “Chi phí đường bộ tăng chóng mặt sau khi  một loạt trạm BOT trên QL 1A vào hoạt động. Cùng với đó, việc siết tải trọng xe đã buộc doanh nghiệp phải chở đúng tải, đưa cước vận tải về đúng giá trị thật…”, ông Bùi Danh Liên bày tỏ. 

Hiện thị trường vận tải hoạt động khá nhộn nhịp với hàng nghìn doanh nghiệp tham gia, do vậy sẽ rất khó có chuyện “bắt tay” giữ giá. Doanh nghiệp nào bán dịch vụ giá cao sẽ không thu hút được khách. Theo ông Bùi Danh Liên, chủ trương kêu gọi xã hội hóa hạ tầng giao thông là đúng đắn nhưng nếu triển khai quá vội vã thì vô tình đẩy cái khó về phía người dân. “Dù là đường đầu tư theo hình thức nào thì cuối cùng vẫn là người dân đóng góp. Trạm BOT ồ ạt mọc lên, phí đường bộ tăng chóng mặt trong khi thu nhập của người dân tăng không tương ứng sẽ tạo ra áp lực”, ông Bùi Danh Liên phân tích.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải khách trên địa bàn Hà Nội thông tin, dù từ đầu năm 2015 đến nay, dầu diezel đã giảm giá khoảng 2.300 đồng/lít, nhưng do chi phí đầu vào tăng mạnh nên doanh nghiệp cũng không tính đến việc giảm giá cước. Theo tính toán của doanh nghiệp này, một chiếc xe khách giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Vinh, trung bình mỗi tháng, phí qua các trạm BOT dọc QL1A là 20 triệu đồng/xe. “Mức phí này quá cao trong khi cước vận tải khách rất ít điều chỉnh”, đại diện doanh nghiệp phân trần.