Đau đầu vì đấu thầu

ANTĐ - Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố một loạt sai phạm trong chỉ định thầu tại một số địa phương ở phía Bắc, phía Nam cũng như Bộ Giao thông Vận tải. Những dự án như đường giao thông nông thôn, tượng đài, khu du lịch sinh thái, trụ sở UBND tỉnh thuộc dự án dân dụng, được chỉ định thầu tràn lan, giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, Luật Đấu thầu quy định, chỉ những dự án, công trình đặc biệt mới được chỉ định thầu.

Vì sao thời gian gần đây, rất nhiều gói thầu, dự án thầu cần tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn chỉ “thích” chỉ định thầu? Hệ lụy là hàng loạt dự án liên tục phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư mà vẫn chậm tiến độ. Hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách không được sử dụng hiệu quả, thất thoát và “bay hơi” gây bức xúc xã hội.

Là người trong cuộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng không ngần ngại vạch ra hai “miếng bánh” rất dễ ăn khi chọn phương thức chỉ định thầu. Một là, giá gói thầu không phải chọn gói mà sẽ được điều chỉnh, xê dịch trong suốt thời gian thi công. Thông thường, các gói thầu được chỉ định bao giờ cũng đưa ra tổng mức đầu tư thấp để dễ được “lọt cửa”, sau đó sẽ có “thủ thuật” điều chỉnh tăng mức đầu tư lên nhiều lần giá trị ban đầu. Hai là, lợi ích của các bên chỉ định thầu sẽ “mỡ màng” hơn đấu thầu, bởi vì việc tăng giá trị gói thầu tất yếu mang lại lợi ích béo bở cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu, nhưng điều quan trọng là lợi ích cá nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng đấu thầu là “chùm khế ngọt” ngân sách cho các bên vặt hái thoải mái, chính là liên quan đến lợi ích nhóm và những kẽ hở của pháp luật. Các đơn vị trúng thầu thường là những doanh nghiệp có thế lực, có mối quan hệ, được chỉ định thầu là nhờ cơ chế xin-cho. Vì thế làm mất tính cạnh tranh và gây thiệt thòi lớn cho các nhà đầu tư khi họ có đủ năng lực mà chẳng có cơ hội tham gia đấu thầu. Khi “chạy thầu”, “lót thầu” nhưng không đủ năng lực, tất nhiên là kéo dài thời gian thi công, không có hiệu quả, công trình kém chất lượng, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là một số công trình nhiệt điện, đường giao thông do Trung Quốc thắng thầu, còn doanh nghiệp nước ta chỉ làm thầu phụ chạy vòng ngoài, mặc dù nhiều nhà thầu Việt Nam đã chứng tỏ khả năng tài chính, công nghệ, kỹ thuật và nhân lực trong các gói thầu dự án. Họ tạo được niếm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng vì ngân sách nhà nước chưa đủ nước ta phải vay vốn ODA của nước ngoài trong đó có vốn vay của Trung Quốc, cho nên họ đặt điều kiện phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc, thiết bị Trung Quốc thậm chí cả công nhân từ nước họ. Đây là điều kiện ràng buộc trong hiệp định vay vốn, theo đó các công trình lớn do nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm chủ yếu có nguồn vốn ODA mà quốc gia nào tài trợ thì họ phải là chủ thầu, còn ta chỉ… chạy vặt.

Đành phải chấp nhận điều kiện trói buộc đó, song không có nghĩa là khi họ nắm đồng tiền, nắm dự án, công trình, kỹ thuật và công nghệ, thì muốn kéo dài bao lâu chất lượng ra sao ta vẫn phải “vui vẻ” bằng lòng. Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, liệu có giải quyết được bài toán hóc búa, đau đầu vì tình trạng chỉ định thầu, đấu thầu hiện nay hay không?