Đau đầu, giúp việc đòi tăng lương

ANTĐ - Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Ngọc Hoa, phường Thành Công, quận Ba Đình đang đau đầu vì không tìm được người giúp việc.
Cuối năm cơ quan bao nhiêu việc phải giải quyết mà người giúp việc lại cự nự đòi tăng lương, chưa kịp giải quyết thì giúp việc xin nghỉ luôn. Không phải chỉ riêng chị Hoa mà câu chuyện chung của nhiều gia đình khác, khi mà sang năm mới, người giúp việc thường muốn “thay đổi không khí” tìm chỗ làm mới. Nếu việc lương thưởng cuối năm mà không được ưng ý thì những người giúp việc này sẽ “một đi không trở lại”. Chính vì vậy, cuối năm vẫn được coi là “mùa” yêu sách của những người giúp việc.
Đau đầu, giúp việc đòi tăng lương ảnh 1
Ảnh có tính chất mình họa

Khi giúp việc… nhìn sang nhà bên cạnh

Gia đình chị Hoa có một con nhỏ 1 tuổi. Ông bà hai bên lại ở xa nên không thể trông giúp con cái được. Vì vậy từ một năm nay chị phải thuê người giúp việc. Lương công chức của chị chỉ có 4 triệu nhưng mỗi tháng cũng phải để ra 3 triệu để trả lương cho người giúp việc. Một tháng đầu người giúp việc làm việc rất chăm chỉ, có ý thức tiết kiệm cho gia đình và yêu quý cháu nhỏ. Nhưng sang đến tháng thứ 2 thì bắt đầu “dở chứng”, trái tính trái nết. Nhiều khi không bằng lòng việc nọ việc kia chị cũng đành ngậm bò hòn làm ngọt, bỏ qua cho yên cửa yên nhà. Gần đây người giúp việc nói xa nói gần là giúp việc bên hàng xóm lương 4 triệu, lại không phải trông trẻ nhỏ. Thấy chị không nói gì thì ngày hôm sau người giúp việc bảo ốm và xin nghỉ. 
Có giúp việc mặc dù chưa đến Tết nhưng cũng nói bóng nói gió với nhà chủ rằng, nhà hàng xóm hứa thưởng Tết cho giúp việc 1 tháng lương và 1 bộ quần áo, quà tết thì đương nhiên rồi. Hoặc như cố tình kể chuyện: “đứa cháu tôi năm ngoái làm giúp việc, nó không về nghỉ Tết mà ở lại nhà chủ luôn, riêng tiền mừng tuổi của khách đến chơi nó đã được 6 triệu, chưa kể ông bà chủ còn mừng tuổi thêm 2 triệu…”. Như thế có nghĩa là mức thưởng giúp việc phải vào khoảng 4 triệu nếu giúp việc về quê, còn nếu ở lại cả dịp Tết thì phải lên tới 8 triệu đồng. Chả biết chuyện thật hay chuyện đùa, chứ lương thưởng giúp việc mà như vậy thì đúng là: “Kính thưa Oshin!” như nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã từng đặt tít cho một bài báo của mình khi viết về người giúp việc thời nay. Nói thật chứ đến cha sinh mẹ đẻ của mình mà Tết đến còn chưa báo hiếu được bố mẹ được mấy đồng, vậy mà…
Việc phải thuê người giúp việc trong nhà đã trở thành số đông các gia đình tại Hà Nội, nhất là những vợ chồng trẻ, có con nhỏ trong điều kiện lớp học nhà trẻ hiện nay không có. Gia đình anh Hà - chị Ngọc cũng như vậy. Nhà có 2 con trai gái trứng gà trứng vịt, lại kinh doanh tạp hóa nên quanh năm anh chị phải thuê người giúp việc. Cũng chỉ vì muốn giữ chân bác giúp việc ở lại đến ngày 30 mà chị Ngọc phải bấm bụng dẫn bác đi siêu thị mua quà làm thân.  Chả là trót hứa mua tặng bác giúp việc tấm áo mới diện tết, nhân ngày cuối tuần nghỉ làm, chị Ngọc dẫn bác ra siêu thị mua đồ. Lựa chọn cho mình được tấm áo ưng ý, bác giúp việc lại muốn chọn thêm cái áo nữa cho con gái, một cái váy đẹp đẹp cho đứa cháu ngoại ở quê. Chị Ngọc ngao ngán: “Lúc thanh toán, chả lẽ để bác ấy tự trả tiền, thôi thì đành mua thêm hai cái áo phát sinh… cốt sao bác ấy vui vẻ ở lại nhà. Gần Tết nhiều việc lắm, không có người giúp việc không được”.

Giúp việc cũng phải có thưởng Tết

Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, nhiều cơ quan, doanh nghiệp cắt thưởng Tết. Nhưng những người giúp việc họ không bao giờ hiểu và cũng không cần hiểu điều đó chính vì thế cho dù thưởng Tết của gia chủ giảm nhưng không thể không có thưởng Tết cho người giúp việc. Đây cũng là mối lo của không ít bà nội trợ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, phường Thành Công tâm sự trên một diễn đàn: Năm nay công ty em làm ăn thua lỗ, cắt thưởng Tết, lương cũng bị giảm từ 5 triệu xuống còn 3 triệu đồng/tháng. Em đang lo không biết sắp tới thưởng Tết như thế nào cho giúp việc. Lương ô sin nhà em là 3 triệu đồng/tháng. Chị ấy làm việc tốt nên em muốn sau Tết chị ấy lại lên giúp. Em định thưởng một triệu và một túi quà. Theo các chị thì như thế đã hợp lý chưa?”. Không chỉ chị Hạnh mà nhiều thành viên khác cũng đang “đau đầu” vì không biết phải thưởng  Tết như thế nào cho giúp việc. Vì thưởng nhiều thì không có mà thưởng ít thì sợ giúp việc ra Tết sẽ “lặn” luôn. Chị Nguyễn Thu Hương cũng chia sẻ bài học của mình: Năm ngoái mình thưởng Tết cho giúp việc 500.000 đồng và một túi quà, giúp việc có vẻ không thoải mái lắm. Trước Tết đã hứa là ra Tết mồng 5 lên nhưng cuối cùng sau Tết trả lời không lên được nữa. Đầu năm hai vợ chồng phải thay nhau nghỉ ở nhà trông con. Sau hơn một tháng trời mới tìm được người giúp việc khác. Nên năm nay rút kinh nghiệm sẽ thưởng hẳn một tháng lương là 3 triệu đồng cho giúp việc vừa như món quà cảm ơn, đồng thời để giữ chân họ.

Ô sin ngày Tết: không có mà thuê 

Gia đình anh Nguyễn Văn Hưng, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình những ngày này đang chạy đôn chạy đáo tìm người giúp việc vào những ngày Tết. Chả là bố mẹ anh đều đã ngoài 90 tuổi, không thể tự phục vụ. Các cụ lại ở riêng, không ở chung với con cái nên lâu nay đều phải thuê người giúp việc. Nhưng giúp việc của ông bà năm nay chỉ làm đến ngày 28 Tết. Từ ngày đó đến ngày mồng 5 Tết, không có ai cơm nước, trông nom ông bà. Vì vậy cả nhà đang huy động mọi mối quan hệ để tìm người giúp việc trong mấy ngày Tết. 
Chị Nguyễn Thị Thủy, nhà ở khu đô thị Mỹ Đình cho biết, năm nay để được đi du lịch nước ngoài, hai vợ chồng chị đã phải bỏ ra 5 triệu đồng để thuê người giúp việc trọn trong 7 ngày Tết. “Đấy là phần “cứng” chúng tôi phải trả về công ty cung ứng, ngoài ra vợ chồng tôi đang dự tính bỏ ra một khoản riêng để “mừng tuổi” riêng cho người giúp việc, phần là để động viên họ, hai nữa để họ chăm sóc cho ông bà thật tốt”- chị Thủy nói.
Theo khảo sát tại các doanh nghiệp chuyên cung ứng nhân lực dịp Tết Nguyên đán được biết năm nay mức giá khá cao: một ngày làm việc từ sáng đến chiều là 500-600.000 đồng, nếu làm việc 24/24h mức giá có thể lên đến 1 triệu đồng/ngày đêm. Dịch vụ cung ứng Oshin dịp Tết Quý Tỵ tại Công ty cổ phần giải pháp nhân sự VINA HR được xem là khá mềm với giá từ 300.000-500.000 đồng/ngày. Nhiều người có việc làm nhưng thu nhập thấp cũng muốn đăng ký nhận giúp việc vào dịp Tết để tăng thu nhập. Chị Nguyễn Thu Hoài, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa cho biết: Em cũng đã đăng ký với một trung tâm môi giới giúp việc để làm thêm vào ngày Tết. Em chưa có gia đình nên cũng muốn ở lại kiếm thêm ít tiền gửi cho bố mẹ. 
Cận ngày Tết, đề tài người giúp việc càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Tết của các gia đình thành phố dường như không chỉ được cảm nhận bằng sắc vàng của chậu quất cảnh bày bán trên đường phố, sự sầm uất của chợ phố thị… mà còn được cảm nhận bằng “nỗi lo mang tên người giúp việc” thoáng hiện trên gương mặt các bà, các mẹ.
Thu nhập giúp việc cao hơn mức lương tối thiểu

Đau đầu, giúp việc đòi tăng lương ảnh 2
Lương trung bình của giúp việc tại Hà Nội hiện nay là 3-3,5 triệu đồng/tháng,chưa kể chi phí sinh hoạt, ăn ở. Lương công nhân may trung bình từ 2-3 triệu đồng/tháng, trừ chi phí ăn ở, thuê nhà chỉ còn 500-800.000 đồng/tháng. Như vậy hiện nay lương giúp việc được cho là cao hơn nhiều lương công nhân. Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng vừa ban hành có quy định đối tượng người giúp việc nhà cũng là đối tượng được áp dụng mức lương tối thiểu kể từ ngày 1-1-2013. Điều này đồng nghĩa với việc họ cũng được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên trên thực tế, cả gia chủ và người giúp việc đều không quan tâm nhiều đến vấn đề này. Sở dĩ như vậy vì từ trước đến nay, vấn đề lương, thưởng cho dạng lao động đặc biệt này chủ yếu dựa trên thỏa thuận miệng giữa người giúp việc và gia chủ. Tổng mức lương, thưởng cho người giúp việc thực tế vẫn cao hơn so với công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, vượt xa mức lương tối thiểu vùng mà Nhà nước quy định.