Đau đầu đấu thầu thuốc

ANTĐ - Những mảng tối trong đấu thầu dự án, công trình với vô số “thủ thuật” như “đi đêm”, thổi giá, lo lót, bán cái… chưa thể ngăn chặn, dẹp bỏ, thì chuyện đấu thầu thuốc chữa bệnh trong ngành y tế càng trở nên phức tạp, rắc rối. Dư luận đã từng lên tiếng nhiều lần, chuyên gia trong ngành y dược và cả bác sĩ các bệnh viện cũng đã chỉ ra những lỗ hổng, kẽ hở trong quy định, quy trình đấu thầu thuốc, nhưng đến nay tình trạng giá thuốc bị mất kiểm soát vẫn hầu như không có biến chuyển gì.

Tại hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu mua thuốc và quản lý giá thuốc vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chi phí cho thuốc chiếm đến 50% tổng chi phí y tế tại các bệnh viện tuyến cơ sở và lên tới 60% ở các bệnh viện Trung ương.

Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế nhận xét, trong 7 năm qua việc đấu thầu thuốc được triển khai thường xuyên, nhưng thực tế chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí lựa chọn thuốc theo tên biệt dược đưa vào gói thầu. Chưa có mẫu hồ sơ mời thầu mua thuốc kèm theo các tiêu chí xét thầu để áp dụng thống nhất, dẫn đến việc xây dựng hồ sơ mời thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế. Chính những kẽ hở này tạo cơ hội cho nhiều bệnh viện lạm dụng gói thầu biệt dược để mua các loại thuốc thông thường và phát sinh hiện tượng nhiều bệnh viện mua nhiều loại thuốc có cùng một hoạt chất nhưng lại có giá khác nhau.

Đơn cử, từ năm 2012 chính Cục Quản lý dược thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 6 nhà thuốc bệnh viện và 8 cửa hàng thuốc xung quanh bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM. Lấy mẫu ngẫu nhiên gần 2.500 mặt hàng thuốc đã phát hiện 2,22% mặt hàng thuốc có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện cao hơn bên ngoài bệnh viện tới 6,54%. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Luật Đấu thầu không có quy định chi tiết về hướng dẫn đấu thầu thuốc, nên hiện nay việc đấu thầu thuốc không khác gì đấu thầu xây dựng, trang thiết bị y tế. Dù là một người không am hiểu nhiều về kinh tế cũng hiểu rằng, việc đấu thầu riêng lẻ chỉ bất lợi vì mua món hàng với số lượng càng ít thì giá sẽ càng cao so với mua số lượng nhiều.

Hơn thế, do đấu thầu riêng lẻ, cùng một loại thuốc nhưng có tên thương mại và nhà sản xuất khác nhau, nên mỗi bệnh viện trúng thầu mỗi giá khác nhau. Việc đấu thầu riêng lẻ diễn ra nhiều năm nay ở nước ta, rốt cuộc chỉ làm giàu cho các tập đoàn dược đa quốc gia khi họ bán được giá thuốc cao chót vót. Không chỉ các “đại gia” này, một nhóm lợi ích trong nước cũng được hưởng lợi rất lớn từ kẽ hở của chính sách đấu thầu thuốc riêng lẻ. Túi tiền của các tập đoàn dược, của nhóm lợi ích càng ních đầy, chật căng, túi tiền của người bệnh, nhất là người bệnh nghèo càng lép kẹp. Chưa kể, tiền mất mà chưa chắc bệnh đã giảm đỡ, thậm chí có khi mang tật.

Trưởng khoa một số bệnh viện lớn thừa nhận, đấu thầu công khai nhưng ai cũng biết trước thuốc nào được chọn vì giám đốc quyết định tất cả. Thuốc trúng thầu được bệnh viện dùng cả năm thì còn gì lợi bằng. Dĩ nhiên người duyệt thuốc sẽ được “lại quả” lớn. Có nhóm người được hưởng lợi, tất sẽ có những người bị hại, không ai khác là người bệnh. Có ý tưởng nên đấu thầu thuốc tập trung, song nhiều ý kiến lo ngại sẽ dẫn đến việc “gom tiêu cực nhỏ ở các cơ sở y tế thành tiêu cực lớn”. Thật đau đầu chuyện đấu thầu thuốc!