Đấu đá nhau trên sân nhà, chỉ doanh nghiệp nước ngoài được lợi

ANTĐ - Năm 2015, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới và khu vực. Nguy cơ hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường Việt Nam sẽ thành sự thực, nếu như sản xuất trong nước vẫn ì ạch.

Đấu đá nhau trên sân nhà, chỉ doanh nghiệp nước ngoài được lợi ảnh 1Bán lẻ trong nước xuất hiện những tên tuổi lớn cho thấy doanh nghiệp nội đã bắt đầu thay đổi

Sản xuất tốt, phân phối “khỏe”

Là đất nước nông nghiệp, vào chính vụ, người nông dân Việt Nam phải đổ cà chua đi, trong khi tại các cửa hàng đồ ăn nhanh hay siêu thị, tương cà chua nước ngoài lại được các doanh nghiệp nhập khẩu về bán.

Ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty An Việt cho rằng: “Đây chính là bất hợp lý của ngành sản xuất, chế biến. Công nghiệp chế biến còn hạn chế khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu”. Tương tự, có những thời điểm, Việt Nam dư thừa sữa tươi, nhưng vì chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu nên doanh nghiệp sữa lại phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Ngoài ra, có thể kể đến những mặt hàng Việt Nam hoàn toàn có thể tự đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước nhưng phải nhập khẩu như thịt bò, hoa quả… 

Theo ông Đào Ngọc Nam, do phương thức sản xuất, chăn nuôi còn manh mún, dẫn đến nguồn nguyên liệu không ổn định, không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế nên doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của đất nước nông nghiệp. Khi đó, hiển nhiên các nhà bán lẻ Việt Nam phải nhập hàng từ nước ngoài phục vụ tiêu dùng trong nước. 

“Trong một nền kinh tế, nếu doanh nghiệp trong nước không nắm được khâu phân phối thì sẽ luôn ở thế bị động. Nhà bán lẻ nước ngoài đưa hàng vào, mình không ngăn cản được. Ngược lại, nếu chủ động phân phối thì hàng trong nước sẽ được ưu tiên. Tất nhiên, với điều kiện hàng đó phải tốt, sản xuất, chế biến đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng” - ông Đào Ngọc Nam chia sẻ.

Liên kết để mạnh hơn

Thị trường bán lẻ của Việt Nam gần đây có những thay đổi lớn với sự vào cuộc của một số thương hiệu nước ngoài, thông qua mua bán hoặc liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó là sự ra đời và lớn mạnh của những nhà bán lẻ lớn trong nước như Fivimart, Thegioididong...

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Lợi ích từ hội nhập rất lớn, vì vậy không thể bỏ qua. Áp lực hội nhập giống như động lực để cải cách. Nếu không, chúng ta sẽ tụt lại”.

Sự lớn mạnh của những tên tuổi lớn của ngành bán lẻ trong nước đã phần nào chứng minh, doanh nghiệp Việt Nam đã cải cách để không bị tụt hậu. Tuy nhiên, so sánh với các nhà bán lẻ ngoại giàu tiềm lực tài chính, lớn về quy mô và kinh nghiệm, lại thêm kỹ thuật hiện đại thì nhà bán lẻ nội vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều.

Theo ông Đào Ngọc Nam, để mạnh hơn, nhà bán lẻ nội phải liên kết với nhau, cũng như liên kết với nhà sản xuất, tạo ra chuỗi từ sản xuất tới phân phối, hạn chế dư địa để hàng ngoại chen chân vào. “Doanh nghiệp nội phải bắt tay với nhau. Nếu đấu đá nhau trên sân nhà, chỉ có doanh nghiệp nước ngoài trục lợi” - ông Đào Ngọc Nam nói.

Thực tế hiện nay cho thấy, các đơn vị bán lẻ trong nước vẫn “tách rời nhau”. Sản xuất và phân phối cũng rời rạc nên nhà bán lẻ không có động thái kiểm soát chất lượng hàng. Kéo theo đó, chất lượng sản phẩm thấp, nguồn cung đứt đoạn, mạnh ai nấy làm. Theo ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội, cách tốt nhất để liên kết chặt chẽ là ràng buộc về kinh tế. Bên nào vi phạm cam kết sẽ bị phạt nặng. Hai bên phải cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn để hợp tác lâu dài, ổn định.