Đau cũng phải cắt bỏ

ANTD.VN - Việc xử lý 5 dự án thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN trong một năm qua vẫn “án binh bất động”, thậm chí còn tồi tệ đi. 

Phương hướng xử lý đã được Bộ Công Thương đề ra, đầu tiên là ưu tiên khởi động nhà máy, rồi từng bước thoái, chuyển nhượng để “giải thoát” vốn Nhà nước ra khỏi các dự án. Trường hợp xấu nhất sẽ phải làm thủ tục để phá sản.

Quan điểm của Bộ Chính trị là Nhà nước sẽ không cấp thêm vốn vào các dự án trên. Đây là điểm vướng mắc nhất, dẫn đến không thể bơm thêm vốn cứu các dự án. Trong khi đó, hầu hết các cổ đông đều là doanh nghiệp Nhà nước. Tổng giám đốc PVN cũng đã xin cơ chế chỉ định thầu trong ngành để hỗ trợ các dự án này, song Chính phủ đã có văn bản từ chối việc ưu đãi nói trên. PVN còn đề xuất với Chính phủ, các chủ đầu tư chấp nhận phương án góp 70-80 tỷ đồng để xử lý.

Như vậy, phương án cuối cùng không còn sự lựa chọn nào khác là thuê tư vấn đánh giá tài sản và lên phương án phá sản. Tuy nhiên, cho phá sản không có nghĩa “phủi tay”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải giao trách nhiệm để xử lý yếu kém của dự án tới từng cá nhân, không làm được thì thay thế cán bộ, không thể để tình trạng “cha chung không ai khóc” và không ai chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, những yếu kém trong đầu tư, vận hành của những dự án trên có yếu tố khách quan và chủ quan, song chủ quan là chủ yếu.

Trong cả 12 dự án đều có hai “bệnh” chủ quan giống nhau. “Bệnh” thứ nhất là khi lập và phê duyệt dự án thì làm rất nhanh, nhưng khi thực hiện lại rất ì ạch, kéo dài thời gian thi công, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng đến 50%. Có dự án xong rồi nhưng vẫn “đắp chiếu” không hoạt động. “Bệnh” thứ 2 là khi lập phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh... thông số đầu vào rất khả quan, tính toán đầu ra cũng lạc quan không kém, thế nhưng thực tế vận hành thì chi phí đầu vào cao vút, còn đầu ra thì… mất hút.

Cho phá sản những dự án thua lỗ của PVN là việc cực chẳng đã phải làm. Phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh với các tổ chức, cá nhân để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước, cũng tức là tiền của nhân dân. Phá sản là phương án cuối cùng, “đau cũng phải cắt bỏ” không được bỏ một đồng vốn nào của nhà nước để “giải cứu”.