Đâu chỉ là phép cộng

ANTĐ - Quá trình tái cơ cấu ngân hàng được cho là thành công khi bán được hơn 84% cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải đánh giá lại tái cơ cấu ngân hàng để làm cho hệ thống này thực sự đạt hiệu quả, minh bạch và lành mạnh.

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu ngân hàng, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như số lượng những ngân hàng yếu kém đã được gom lại và đang từng bước cố gắng hoạt động bình thường, song, dưới góc độ cơ cấu giới chuyên gia tài chính ngân hàng, nhiều khi những thông tin tái cơ cấu không được công bố minh bạch về quản trị, giải quyết nợ xấu, những vấn đề liên quan đến vốn thực của các ngân hàng. Chỉ khi các thông tin được khui ra, công luận mới giật mình. Chẳng hạn như những vi phạm, rắc rối liên quan đến Ngân hàng Xây dựng trong thời gian qua. Theo những thông tin mới được công bố, sau khi tái cơ cấu thành công, Ngân hàng này vẫn nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Điều này có nghĩa là, kết quả của quá trình tái cơ cấu cả về quản trị, hoạt động lành mạnh, xử lý nợ xấu, minh bạch thông tin vẫn còn nhiều chuyện ngổn ngang. Đại diện Hiệp hội Ngân hàng nhận xét, quá trình tái cơ cấu hiện chưa thực sự đạt được như những gì xã hội nhận biết qua thông tin của Ngân hàng Nhà nước. Quá trình này chưa đạt được hiệu quả cao, mà chỉ giúp giảm số lượng ngân hàng, còn chất lượng không thay đổi. Phải chăng tái cơ cấu chỉ là gom những ngân hàng yếu vào trong một góc, khiến ngân hàng đã yếu lại càng yếu hơn? Có một số ngân hàng sau khi tái cơ cấu, được cho là tốt lên chẳng qua là vì được xóa nợ hoặc khoanh nợ, còn bản chất thực sự chưa có nhiều thay đổi.

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm mục đích nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng. Song, giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo, đây không chỉ là phép cộng đơn thuần. Cần sáp nhập hợp nhất ngân hàng khỏe với ngân hàng yếu, những ngân hàng nào không đáp ứng được yêu cầu thì cho phép giải thể, thậm chí cho phá sản. Có như vậy, ngân hàng mới từ bỏ tâm lý ỷ lại, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của cả hệ thống.