Dầu cá Omega ăn mòn xốp: Không gây hại đến sức khỏe con người

ANTĐ - Hai ngày qua, thông tin một người tiêu dùng ở Quảng Ngãi phát hiện dầu cá Omega-3 ăn mòn, làm thủng tấm xốp trong vòng 10 phút khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Chiều 7-1, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã khẳng định, dầu cá ăn mòn xốp không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dầu cá Omega ăn mòn xốp: Không gây hại đến sức khỏe con người ảnh 1

TS Nguyễn Thanh Phong trả lời báo chí về hiện tượng dầu cá ăn mòn xốp 

Chất ăn mòn xốp có tác dụng bảo quản

Ngày 5-1, một người dân ở Quảng Ngãi đã mang đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Ngãi 2 lọ dầu cá Omega-3 có dấu hiệu bất thường. Khi đặt lên tấm xốp, viên dầu cá dần bào mòn rồi xuyên thủng mặt xốp trong khi thử với loại dầu cá khác không có hiện tượng như vậy.

Trên bao bì 2 hộp Omega-3 này có ghi là “Thực phẩm chức năng viên dầu cá Omega-3”, được sản xuất tại Trung Quốc, do một công ty có trụ sở tại Hà Nội nhập khẩu và phân phối. Ngay lập tức, thông tin này khiến dư luận hết sức lo lắng bởi đây là sản phẩm được sử dụng khá phổ biến. Có người cho rằng dầu cá ăn mòn xốp thì khi sử dụng sẽ bào mòn dạ dày, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dùng…

Trao đổi với báo chí chiều 7-1, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, đêm 6-1, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia đã tiến hành thử nghiệm đối với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam) thì tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp. Tiếp tục phân tích trên máy, đến sáng 7-1, cơ quan này chưa phát hiện bất thường về ATTP đối với các sản phẩm dầu cá nói trên.

Trước sự chứng kiến của đại diện các cơ quan báo chí, chiều 7-1, Cục ATTP đã làm lại thử nghiệm này bằng cách đặt 3 mẫu sản phẩm dầu cá của Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc lên bề mặt tấm xốp dày khoảng 5cm. Kết quả, sau hơn 10 phút, bề mặt cả 3 tấm xốp đặt dầu cá đều bị bào mòn với mức độ khác nhau. 

TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, Cục ATTP đã liên hệ với các tổ chức và các chuyên gia quốc tế hàng đầu về ATTP để tìm hiểu thông tin về vấn đề này. Các chuyên gia cho biết: dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hóa nhưng nếu để như vậy thì dầu cá dễ bị phân hủy. Vì thế, để đảm bảo sự ổn định, các loại dầu cá đều được ester hóa. Do đó, tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (thành phần là polystyrene) và thời gian hòa tan nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng loại dầu cá khác nhau. 

Dầu cá Omega ăn mòn xốp: Không gây hại đến sức khỏe con người ảnh 2

Sau hơn 10 phút thử nghiệm đặt viên dầu cá (của Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc) lên tấm xốp, bề mặt tấm xốp bị bào mòn và thủng

Có thể truy nguồn gốc qua mạng

Đáng chú ý, Cục trưởng Cục ATTP thông tin, trong cơ thể người không có polystyrene như xốp nên khi sử dụng dầu cá sẽ không có tương tác, tức không có hiện tượng bào mòn ruột và không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe người sử dụng. Trước câu hỏi “tại sao khi Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi thử nghiệm với mẫu thực phẩm chức năng dầu cá khác thì không có hiện tượng bào mòn xốp?”, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, sản phẩm dầu cá không ăn mòn xốp có thể là dầu cá chưa ester hóa. Ester hóa chỉ có tác dụng như một chất bảo quản chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cũng theo Cục trưởng Cục ATTP, để xác minh rõ nguồn gốc 2 lọ dầu cá ở Quảng Ngãi nêu trên, sáng 7-1, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi đã cử cán bộ tới gặp người dân cung cấp sản phẩm. Qua làm việc, người dân cho biết, sản phẩm dầu cá này do một người ở địa phương đi làm ăn ở TP.HCM mua gửi về cho. Đối chiếu nhãn mác thì sản phẩm này không có hồ sơ công bố lưu hành tại Việt Nam. Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi khẳng định, đây không phải là sản phẩm được nhập khẩu chính thống vào Việt Nam mà là sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Do vậy, người dân không nên quá hoang mang trước thông tin này.

 Cục ATTP khuyến cáo, để phân biệt thực phẩm chức năng là thật hay giả, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng cách truy cập vào website của Cục ATTP (www.vfa.gov.vn) để kiểm tra tên sản phẩm, ngày cấp giấy phép và tên công ty chịu trách nhiệm lưu hành sản phẩm. Tới đây, Cục ATTP sẽ làm việc với một số đơn vị công nghệ thông tin để xây dựng phần mềm kiểm tra thực phẩm chức năng giả trên điện thoại di động.

Miếng xốp không có giá trị thử nghiệm thực phẩm
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm và sinh học - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, không thể chỉ căn cứ vào hiện tượng dầu cá Omega-3 ăn mòn xốp để khẳng định nó gây nguy hiểm tới sức khỏe con người. Đây là cách làm phi khoa học bởi miếng xốp không phải là vật liệu thử cho thực phẩm.

Xốp và dạ dày cũng không tương đồng với nhau. Bản thân các loại xốp cũng có thành phần khác nhau nên ở miếng xốp này có thể bị thủng do phản ứng ester hóa nhưng ở miếng xốp khác lại không thủng.