Đau bụng dưới: Dấu hiệu không thể bỏ qua ở phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đau bụng dưới là chứng bệnh thường gặp cả ở nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ hay bị đau nhiều hơn, bởi vùng bụng là nơi tập trung các cơ quan sinh sản của nữ giới. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau vùng bụng dưới, đây cũng là dấu hiệu của nhiều tình trạng bệnh lý nguy hiểm.
Tình trạng đau bụng dưới ở phụ nữ hầu như đều liên quan đến bệnh phụ khoa

Tình trạng đau bụng dưới ở phụ nữ hầu như đều liên quan đến bệnh phụ khoa

Viêm ruột thừa. Nếu bạn đau nhói ở bụng dưới bên phải, nôn và sốt, hãy đi bệnh viện ngay vì rất có thể bạn bị viêm ruột thừa. Nếu bị viêm ruột thừa, bạn cần phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa viêm này, nếu không sẽ bị lan nhiễm trùng trong ổ bụng, có thể dẫn đến tử vong.

Hội chứng ruột kích thích (IBS). Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài, khi thay đổi chế độ ăn đột ngột, hoặc bị stress. Biểu hiện là các cơn đau bụng, chuột rút, đầy hơi, ợ chua, co thắt dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón.

Đau bụng do rụng trứng. Hay còn gọi là đau bụng kinh, là tình trạng khá phổ biến khi đến kỳ kinh, gây ra những cơn đau nhói bụng. Cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội, dai dẳng tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Hội chứng tiền kinh nguyệt. Sự thay đổi hormone ở nữ giới khi chuẩn bị xuất hiện kinh nguyệt sẽ gây ra các cơn đau vùng bụng dưới. Nó còn gây nhiều bất tiện như mọc mụn trứng cá, nhức đầu, đau bụng, chuột rút, tính khí thất thường.

Mang thai ngoài tử cung. Nếu thấy hiện tượng đau vùng chậu mạnh hoặc chuột rút (đặc biệt là ở một bên), chảy máu âm đạo, buồn nôn, chóng mặt kèm chậm kinh thì hãy đến gặp bác sĩ ngay, vì rất có thể đây là biểu hiện của mang thai ngoài tử cung, khi một phôi hình thành và phát triển ở ngoài tử cung, thường là ống dẫn trứng. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Viêm vùng chậu. Viêm vùng chậu là tình trạng viêm nhiễm một số bộ phận như vòi trứng, buồng trứng, tử cung, có thể gây vô sinh ở nữ giới. Các triệu chứng như đau bụng dưới bên trái hoặc bên phải, sốt cao hoặc sốt nhẹ, tiết dịch âm đạo có mùi hôi, đau khi quan hệ tình dục... Trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật.

U nang buồng trứng. U nang buồng trứng thường là vô hại, nhưng khi u to dần lên sẽ gây đau vùng chậu, tăng cân, đi tiểu thường xuyên. Phụ nữ nên đi khám phụ khoa hoặc siêu âm để phát hiện và xử lý kịp thời.

U xơ tử cung. U xơ tử cung thường gặp ở độ tuổi 30-40, u xơ phát triển ở thành tử cung nhưng không phải dạng ung thư, không gây ra vấn đề gì cho sức khỏe. Một số phụ nữ có thể bị đau bụng dưới rốn, đau lưng, rối loạn kinh nguyệt hay bị đau khi quan hệ tình dục, gây khó khăn trong việc mang thai.

Lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung là mô nội mạc phát triển lan ra bên ngoài tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, cổ tử cung… Sự phát triển bất thường đó khiến cho người phụ nữ bị đau bụng dưới rốn và là nguyên nhân không thể mang thai.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Khi vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công mọi nơi, từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiểu đau, buốt và lúc nào cũng mót tiểu. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây viêm thận hoặc nhiễm khuẩn huyết.

Sỏi thận. Các dấu hiệu nhận biết sỏi thận như đau quặn dữ dội ở vùng bụng dưới, nước tiểu có thể chuyển sang màu hồng hay màu đỏ như máu, hoặc qua chụp Xquang, siêu âm. Khi cử động hay thay đổi tư thế sẽ xuất hiện cơn đau thắt ở vùng eo, có thể đi kèm rối loạn tiểu, thân nhiệt tăng, khó chịu, buồn nôn.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi bị nhiễm Chlamydia và bệnh lậu - 2 căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, người bệnh sẽ bị đau buốt vùng chậu, đi tiểu đau, chảy máu giữa chu kỳ, tiết dịch âm đạo bất thường. Cần đến ngay bác sĩ, tránh lây bệnh cho bạn tình.