Dấu ấn làng nghề cho Đại lễ nghìn năm

(ANTĐ) - Hà Nội vốn là nơi hội tụ, giao lưu, kết tinh và tỏa sáng của làng nghề Việt Nam. Hà Nội có nhiều làng nghề, phố nghề với những sản phẩm, nghệ nhân nổi tiếng. Hà Nội cũng đi trước cả nước trong việc quy hoạch, hỗ trợ làng nghề phát triển, xúc tiến thương mại, phong tặng danh hiệu nghệ nhân...

Dấu ấn làng nghề cho Đại lễ nghìn năm

(ANTĐ) - Hà Nội vốn là nơi hội tụ, giao lưu, kết tinh và tỏa sáng của làng nghề Việt Nam. Hà Nội có nhiều làng nghề, phố nghề với những sản phẩm, nghệ nhân nổi tiếng. Hà Nội cũng đi trước cả nước trong việc quy hoạch, hỗ trợ làng nghề phát triển, xúc tiến thương mại, phong tặng danh hiệu nghệ nhân...

Đó là những ưu thế lớn cho việc sáng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, độc đáo đặc trưng của thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thực tế cho thấy, trong các dịp lễ hội du lịch, hội Xuân, liên hoan làng nghề - phố nghề truyền thống, sản phẩm của các làng nghề, phố nghề Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân Thủ đô mà cả du khách trong và ngoài nước.

Nhiều làng nghề nổi tiếng: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, chạm bạc Định Công, mộc Kim Bồng, thêu Văn Lâm, gỗ Vân Hà...  mang dấu ấn tinh hoa văn hóa Việt nhiều năm qua đã đem đến nguồn lợi to lớn cho nghệ nhân, thợ thủ công và sự phát triển các làng nghề.

Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: Nơi nào có làng nghề truyền thống, nơi đó kinh tế phát triển, nông thôn đổi mới, đời sống người dân khấm khá. Thu nhập của người lao động tham gia ngành nghề cao gấp     3-4 lần so với lao động nông nghiệp đơn thuần, thu hút 30-60% lao động.

Phó Chủ tịch Hội nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ thành phố Hà Nội, ông Lê Khang cho rằng: Hà Nội với 36 phố phường độc đáo với các nghề: chạm bạc, đúc đồng, dệt, tạc tượng... Tuy nhiên dấu ấn nghìn năm sẽ đậm nét hơn khi có sự góp mặt của hàng trăm làng nghề truyền thống: nón Chuông, sơn mài Chuyên Mỹ, lụa Hà Đông, mỹ nghệ Sơn Đồng... Nhiều làng nghề khi về Hà Nội đã được đánh thức, khôi phục và thăng hoa.

Nhận thức rõ về ý nghĩa kinh tế, xã hội của việc phát triển làng nghề truyền thống nhân 1.000 năm Thăng Long, Hội làng nghề Hà Nội vừa phát động các hoạt động sáng tác, tìm kiếm những sản phẩm độc đáo đóng góp cho ngày Đại lễ. Theo ông Khang, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh hoa của làng nghề - phố nghề, Hà Nội đã vận động 50 nghệ nhân sáng tạo các sản phẩm thủ công truyền thống.

Các nghệ nhân cũng thuyết phục bà con làng nghề đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm đặc thù, thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Hà Nội như hình tượng Tháp Rùa, chùa Một cột, Cột cờ Hà Nội, Khuê văn các, Rùa hồ Gươm; các danh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vua Lý Thái Tổ...; biểu tượng văn hóa Việt: trống đồng, cồng chiêng, tượng Phật, lộc bình, tranh phong cảnh...

Trong đó đáng chú ý là các sản phẩm chân dung Bác Hồ cao 1,2m, trống đồng đường kính 80cm, cồng chiêng đường kính 1m cùng các sản phẩm thủ công nhỏ bằng đồng phục vụ khách du lịch của nghệ nhân Lê Khang; nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm sáng tạo mặt trống đồng, tranh đồng, tranh Vua Lý Thái Tổ dời đô bằng đồng; nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu làm tranh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phong cảnh Hà Nội bằng hoa khô; nghệ nhân Đổng Quang Huy tạc tượng gỗ...

Ông Lưu Duy Dần cho biết thêm: Hiệp hội làng nghề Việt Nam năm 2008 cũng tổ chức cuộc thi Thủ công Mỹ nghệ “Dấu ấn nghìn năm Thăng Long” đem lại những kết quả rất tốt. Các mẫu được chọn đang được tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện về mặt mỹ thuật, và sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt.

Còn 500 ngày nữa sẽ đến ngày Đại lễ. Một không gian văn hóa đầy bản sắc của Hà Nội nghìn năm sẽ thực sự ấn tượng bởi các sản phẩm được các làng nghề, phố nghề và nghệ nhân Hà Nội dịp Lễ hội làng nghề - phố nghề Thăng Long - Hà Nội và các vùng phụ cận trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.                                     

Bảo Hà