Dấu ấn đầu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

ANTD.VN - Việt Nam đã để lại những dấu ấn đầu tiên tại Hội đồng Bảo an với những sáng kiến cùng hoạt động tích cực, hiệu quả được ghi nhận và đánh giá cao ngay sau đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực và Chủ tịch cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc này.

Dấu ấn đầu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ảnh 1Toàn cảnh phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an do Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì với sự tham gia của Tổng Thư Ký LHQ Antonio Guterres

Sáng kiến được đánh giá cao của Việt Nam

Chưa đầy 10 ngày sau khi chính thức đảm đương trách nhiệm Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã tổ chức được những cuộc họp nhằm bàn thảo, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta đã trực tiếp tham gia, chủ trì các phiên họp đầu tiên trong năm 2020 của Hội đồng bảo an, trong đó có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Sự kiện được quan tâm hàng đầu là phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm LHQ: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì. Đây cũng là dấu ấn quan trọng trong tháng đầu tiên Việt Nam tham gia Hội đồng bảo an, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch cơ quan quyền lực này trong tháng 1-2020 và được Việt Nam tổ chức nhân dịp Liên hợp quốc kỷ niệm 3/4 thế kỷ tồn tại và phát triển.

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và nhạy cảm, chủ nghĩa đa phương và Liên hợp quốc gặp nhiều thách thức to lớn, phiên thảo luận thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các nước thành viên tổ chức lớn nhất hành tinh này. Đại diện của hơn 100 quốc gia đã tham gia phát biểu, trong đó nhiều nước tham gia ở cấp cao như Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines, Ngoại trưởng các nước Estonia, Hungary, Timor Leste, Nicaragua, Haiti… Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và nguyên Tổng thống Ireland Mary Robinson, Chủ tịch Nhóm The Elders (1), được mời báo cáo tại phiên thảo luận.

Các vị lãnh đạo Liên hợp quốc và đại diện các quốc gia đều đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức cuộc thảo luận mở với chủ đề mang tính thời sự cao cũng như ý nghĩa hết sức thiết thực, góp phần tái khẳng định tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như hợp tác đa phương duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đóng góp thiết thực và hiệu quả của Việt Nam được ghi nhận khi Hội đồng bảo an đã nhất trí cao thông qua Tuyên bố Chủ tịch do Việt Nam chủ trì soạn thảo về tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc.

Tuyên bố này khẳng định giá trị vững bền của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển luật pháp quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia; tái khẳng định cam kết của Hội đồng bảo an đối với Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh tất cả các nước, các cơ quan của tổ chức này, các tổ chức khu vực… cần hành động phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc; đưa các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương thành định hướng trong hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách... Đây cũng là lần đầu tiên Hội đồng bảo an thông qua một Tuyên bố riêng về Hiến chương Liên hợp quốc.

Đối tác vì hòa bình bền vững

Một dấu ấn khác của Việt Nam khi giữ trọng trách “kép” Ủy viên không thường trực, Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1-2020 và Chủ tịch ASEAN 2020 là tổ chức cuộc họp Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Cuộc họp “mở hàng” các hoạt động quan trọng của ASEAN tại Liên hợp quốc này có sự tham dự của tất cả các đại sứ, đại diện thường trực tất cả 10 thành viên hiệp hội cùng Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi. 

Trong cuộc họp đầu tiên trong năm 2020, đại diện các thành viên ASEAN đã chúc mừng và khẳng định ủng hộ Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1-2020. Với sự đồng thuận, đại diện các quốc gia tham dự cuộc họp nhất trí tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hình ảnh và sự tham gia tích cực của ASEAN tại Liên hợp quốc.

Theo đó, các nước thành viên ASEAN đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam: lần đầu tiên tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an trong tháng 1-2020 về hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đồng thời, các nước ASEAN cũng nhất trí sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thống của Ủy ban ASEAN như Ngày gia đình ASEAN, Chiêu đãi ngày ASEAN tại Liên hợp quốc nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các nước ASEAN và thúc đẩy hợp tác, hữu nghị giữa ASEAN với các đối tác…

Cũng trong những ngày đầu năm này, cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh trên toàn cầu của Liên hợp quốc đã thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy hòa dịu tạo điều kiện cho việc giải quyết, xử lý các tranh chấp, đối đầu, xung đột bằng biện pháp hòa bình. Trong đó, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên (Ủy ban trừng phạt theo Nghị quyết 1718) trực thuộc Hội đồng Bảo an đã chấp thuận miễn trừng phạt đối với hai dự án viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Những hoạt động bận rộn, trách nhiệm của Việt Nam trong những ngày đầu tiên trên cương vị Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng bảo an như cam kết mạnh mẽ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận mở của Hội đồng bảo an là Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp vào các hoạt động của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững trên tinh thần “Đối tác vì hòa bình bền vững”.