Dấu ấn Công an Hà Nội ngày tiếp quản Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 10-10-1954, dưới chân Cột Cờ Hà Nội, quân dân Thủ đô thay mặt quân dân cả nước làm lễ chào cờ, lịch sử Thủ đô của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cùng cả nước bước sang trang sử mới...

Trong niềm vinh quang và tự hào, cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội - lực lượng tiên phong mở đường xâm nhập vào nội thành khi địch tạm chiếm, kiên cường trụ vững trên địa bàn, bền gan kháng chiến, lại tiếp tục cùng quân và dân Hà Nội tiếp quản Thủ đô trong ngày lịch sử...

Chặn đứng âm mưu phá hoại trước ngày tiếp quản

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Từ chỗ ra sức củng cố, xây dựng Hà Nội thành đầu não chỉ huy chiến tranh, Pháp chuyển sang âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao. Chúng âm mưu để ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn.

Lực lượng Công an tiếp quản Ty Cảnh sát thành phố (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm)

Lực lượng Công an tiếp quản Ty Cảnh sát thành phố (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm)

Nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng là thử thách to lớn, nặng nề được đặt trên vai các chiến sỹ Công an Hà Nội, bằng mọi cách phải giữ gìn được an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản công và tư, không để bị địch phá hoại, duy trì trật tự xã hội và đời sống bình thường trong thành phố. Một không khí sôi nổi, hào hứng được tích lũy qua mấy nghìn ngày kháng chiến là nguồn động lực cho CBCS Công an Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ.

Thành tích nổi bật và xuất sắc đầu tiên được ghi nhận của Công an Hà Nội là những tin, tài liệu chính xác cung cấp cho phái đoàn ta đấu tranh thắng lợi với phái đoàn Pháp ở Hội nghị Phủ Lỗ về trao trả tù binh, âm mưu tháo gỡ máy móc chuyển vào Nam, phản động phá hoại, gây rối khi ta vào tiếp quản. Việc vận động, đưa ra vùng tự do mấy trăm cảnh binh và sử dụng họ trong nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông khi mới tiếp quản thành phố; vận động thuyết phục hàng trăm viên chức các ngành trong bộ máy địch, nhất là số nhân sĩ trí thức ở lại không theo địch có ý nghĩa quan trọng về chính trị.

Những mốc dấu không quên

Chỉ trong các ngày từ mùng 2 đến 4-10, hơn 400 cán bộ, nhân viên đã đến các nơi làm việc cùng phía Pháp, tiến hành kiểm kê ở từng cơ quan, công sở, từng công trình lợi ích công cộng để chuẩn bị bàn giao. Ngày 5-10, Đội Trật tự gồm 158 cán bộ và Công an trật tự có vũ trang vào nội thành để gặp đối phương làm các thủ tục chuẩn bị nhận bàn giao các quận, đồn cảnh binh, các cơ quan công an, cảnh sát, mật thám của Pháp và ngụy quyền.

Ngày 6-10, lực lượng Công an trật tự và dân cảnh vào tiếp nhận đồn cảnh binh đầu tiên ở Văn Điển, quận lỵ đầu tiên của Hà Nội được giải phóng. Ngoài ra, theo lệnh của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bí thư Đảng ủy tiếp quản, một tổ trinh sát bí mật có ông Nguyễn Dân, Lê Tuấn, Minh Đông nhận nhiệm vụ bảo vệ đoàn quay phim Xô Viết. Chiếc xe tải duy nhất của Sở Công an Hà Nội lúc đó đã đưa đoàn quay phim vượt qua mọi trạm kiểm soát, tới ranh giới phân chia quân đội hai bên để ghi lại những thước phim quý báu về ngày giải phóng, khi quân Pháp rút và quân ta vào tiếp quản.

Một tổ trinh sát khác được phân công nắm tình hình và bảo vệ một bộ phận của Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến vào trước đóng trụ sở tại Phòng Thương mại (nay là Phòng Bưu điện quốc tế ở phố Đinh Lễ) và khách sạn Metropole.

Ngày 8-10, các đội hành chính trật tự vào trước đã hoàn thành việc ký kết các văn bản bàn giao 129 cơ quan, công sở, các công trình lợi ích công cộng, các bệnh viện, trường học. Mặc dù từ mấy hôm trước đó, người Pháp đã bỏ mặc thành phố trong tình trạng vô chính phủ, nhưng được sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy tiếp quản, các lực lượng Công an đã cùng với cán bộ các ngành, các đoàn thể hướng dẫn cho công nhân, viên chức các cơ quan, công sở, nhân dân đường phố tự tổ chức việc tuần tra, canh gác nên an ninh trật tự vẫn được duy trì, bảo vệ cho những hoạt động bí mật, sôi nổi, khẩn trương của nhân dân chuẩn bị đón mừng các lực lượng kháng chiến trở về Thủ đô.

Hà Nội, ngày trở về

Ngày 9-10, đợt tiến quân thứ nhất của bộ đội theo 5 hướng vào tiếp quản thành phố, do các tổ tự vệ - Công an nội thành dẫn đường. Song song với cuộc tiến quân tiếp quản nội thành, ở ngoại thành, các đội hành chính trật tự cùng với các đơn vị bộ đội tiến vào tiếp quản 4 quận hành chính của ngụy quyền Bảo Đại gồm Quảng Bá, Cầu Giấy, Quỳnh Lôi và Ngã Tư Sở. Từng công sở, xí nghiệp, vị trí quân sự; từng thôn xã, đường phố được tiếp quản đến đâu thì bộ đội, công an, tự vệ và công nhân cùng lực lượng hành chính của Ủy ban Quân chính triển khai ngay việc canh gác, tuần tra giữ gìn an ninh trật tự, quản lý tài sản nghiêm ngặt.

Tiếp quản nhà tù Hỏa Lò

Tiếp quản nhà tù Hỏa Lò

Đêm hôm đó, lệnh giới nghiêm của Uỷ ban quân chính thành phố được mọi người nghiêm chỉnh chấp hành. Đó là một đêm giới nghiêm thật đặc biệt, bởi mới trước đó ít phút, Hà Nội còn là thành phố vắng tanh với những lo âu, cửa từng nhà đóng kín. Chỉ sau đó ít phút, cả Hà Nội bừng dậy, hồi sinh, sôi động, náo nhiệt. Đường phố sáng rực những dây đèn, kết hoa, cờ bay phấp phới, nhân dân không ai ra khỏi nhà nhưng nhà nào cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng, mỗi lần có công an, tự vệ tuần tra đi qua, các cánh cửa sổ lại mở hé với nụ cười trìu mến.

Đã hơn ba nghìn ngày đêm, kể từ tháng 9-1945 quân Tưởng vào rồi tháng 3-1946 quân Pháp đến, Hà Nội mới có một đêm sạch bóng quân xâm lược, nên ai cũng muốn thức thật khuya để hưởng không khí thanh bình, êm ả của đêm giải phóng.

Ngày 10-10-1954, cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Những chiến sỹ trinh sát Công an Bắc Bộ, Công an xung phong, Cảnh sát xung phong và Cảnh sát trật tự… tham gia cuộc mít tinh và duyệt binh long trọng tại Sân vận động Cột Cờ cùng với những chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô, Liên khu I, chiến sỹ Trung đoàn An Giao và Liên khu 2 và hai mươi vạn nhân dân Hà Nội hân hoan đón mừng từng đoàn quân chiến thắng trở về.

Ngay trong ngày hôm đó, lực lượng Công an Hà Nội được sự chỉ đạo của Bộ Công an đã chính thức tiếp quản Sở mật thám, Sở Cảnh sát, Trại giam Hỏa Lò và các quận, đồn cảnh sát của địch. Khi vào tiếp thu, chiếm lĩnh đã tuyên bố giải tán các tổ chức cũ của địch, thay vào đó là bộ máy tổ chức Công an cách mạng; đồng thời bảo vệ, quản lý toàn bộ hồ sơ tài liệu, phương tiện trong các cơ quan. Nha Công an Cảnh sát Bắc Việt tại trụ sở 87 Gambetta (Trần Hưng Đạo) đổi thành Sở Công an Hà Nội.

Tưng bừng trong không khí tự do nhưng nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội của lực lượng Công an Hà Nội còn rất nặng nề. Kẻ địch trước khi rút đi đã để lại cho ta không chỉ có các loại tệ nạn xã hội mà còn là mạng lưới gián điệp địch ẩn nấp, bọn đảng phái phản động, các phần tử phản động đội lốt tôn giáo và không ít bọn tội phạm hình sự.

Thêm vào đó, Công an Hà Nội còn phải tiếp thu lưu dung hàng nghìn cảnh binh, nhân viên công an ngụy. Cũng thời gian này, Công an Hà Nội gấp rút chuẩn bị cho công tác đăng ký nhân hộ khẩu toàn thành phố. Nhờ triển khai đồng bộ các mặt công tác trong thời gian tiếp quản cùng sự nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô, chỉ trong vòng một tháng sau tiếp quản, các mặt công tác, các lực lượng trong Công an đã được triển khai khai đi vào hoạt động, nhanh chóng ổn định an ninh, trật tự cho Thủ đô mới giải phóng.