“Đất vàng” hóa đất hoang

ANTĐ - Chỉ đến khi các phương tiện truyền thông lên tiếng tình trạng nhiều dự án để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, UBND TP mới chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát và kiến nghị hướng xử lý đối với các dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Công việc này phải hoàn thành trước ngày 15-8.

Trong khi nhiều chủ đầu tư bất động sản đang chật vật để giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, thì không ít tổng công ty, doanh nghiệp có sẵn hàng trăm, hàng ngàn mét vuông đất “màu mỡ”, nhưng lại không hề khởi công để cỏ mọc như rừng hoặc sử dụng sai mục đích. Trong khi nhiều trường học, bệnh viện đang loay hoay tìm từng thước đất để mở rộng, xây mới thì những khu “đất vàng” ngay giữa lòng Hà Nội để hoang đều thuộc vào những “đại gia” bất động sản. Dẫn đầu là Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. Thậm chí ở quận Tây Hồ, khu vực thuộc loại “đắc địa” và đắt đỏ nhất nhì Thủ đô, hiện tồn tại hàng loạt khu đất diện tích rộng từ vài nghìn tới hàng chục nghìn mét vuông do các “chủ đất” giành được trong các cuộc đấu giá, rồi bỏ hoang 7-8 năm nay.

Tại khu vực sầm uất quận Thanh Xuân, từ năm 2004, UBND TP đã phê duyệt kết quả đầu tư các dự án thí điểm xây dựng nhà cao tầng cho thuê trên nhiều lô đất. Sau hơn 8 năm một số chủ đầu tư vẫn “bất động”. Trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều chủ đầu tư đang phải “rát mặt” vì khách hàng đòi tiền mà chủ dự án huy động vốn quá lâu nhưng chưa triển khai. Nghịch lý và nghịch cảnh đang diễn ra là không ít chủ đầu tư lại đang phải “đánh vật” với việc giải phóng mặt bằng để có “đất sạch” thực hiện dự án. Có thể kể ra hàng loạt dự án và “siêu dự án” như khu đô thị Văn Giang, Gamada City, khu đô thị Tây hồ Tây, đô thị An Khánh… giải phóng mặt bằng luôn là bài toán khó và phức tạp, nhất là ở Hà Nội. Trong nhiều trường hợp nếu xử lý không khéo dễ dẫn đến tình trạng dân bất bình, dự án bị “treo”, đình trệ.

Không phủ nhận thực tế khách quan này, song thật khó “đổ tội” và bao che trách nhiệm cho thực trạng “đất vàng” bị bỏ hoang. Kết quả kiểm tra mới đây của Sở Tài nguyên- Môi trường cho thấy, tại 4 quận huyện Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Từ Liêm, trong tổng số 32 khu đất rộng tới 488.545m2 của 23 chủ đầu tư, có tới 19 khu đất trống chưa sử dụng, diện tích “đất vàng” lên tới 309.368m2; 10 khu đất được giao cho chủ đầu tư quản lý nhưng sử dụng làm bãi đỗ xe, sân bóng đá mini, quán ăn, giải khát… chiếm tới 159.328 m2. Trước nghịch lý đất đai ngay tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố yêu cầu, nếu dự án không triển khai do khách quan hoặc lỗi do các cơ quan chức năng thì cần đề xuất biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Các trường hợp vi phạm không có khả năng thực hiện thì thu hồi đấu thầu. 

Phó Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện nghiêm túc và quyết liệt tình trạng để hoang hóa đất đai. Câu nói “tấc đất tấc vàng” ở Hà Nội xem ra không chuẩn. Đất đai là tài sản quốc gia, “đất vàng” hóa đất hoang thì đất nước, người dân còn nghèo.