Đặt tiền hoặc tài sản thay thế tạm giam: Còn nhiều “lỗ hổng”

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng tải loạt bài xoay quanh nội dung dự thảo Thông tư liên tịch (TTLT) đang được Bộ Tư pháp soạn thảo về việc hướng dẫn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam, tòa soạn đã nhận được nhiều hồi âm, ý kiến đóng góp của bạn đọc về vấn đề này. 

Đặt tiền hoặc tài sản thay thế tạm giam: Còn nhiều “lỗ hổng”  ảnh 1


Một số tội không nên áp dụng 

Nếu cho phép bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam trong trường hợp phạm tội về ma túy rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Còn đối với bị can, bị cáo phạm tội giết người, phạm các tội về xâm phạm quyền sở hữu trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm: tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thực tiễn công tác điều tra cho thấy, bị can, bị cáo phạm vào một số loại tội nói trên cũng không nên áp dụng Điều 93 Bộ luật TTHS. 

Đối với nhóm tội phạm về chức vụ nên bổ sung quy định loại trừ một số tội phạm về chức vụ như: tội tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số tội như xâm phạm an ninh quốc gia; phạm tội xuyên quốc gia; hoạt động lưu động; buôn bán người;... nếu thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp này sẽ cản trở nghiêm trọng đến quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Đại tá Đoàn Tất Kỉnh, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an 

Cần có sự thống nhất về đối tượng áp dụng

Nội dung Dự thảo TTLT quy định đối tượng áp dụng đặt tiền, tài sản bảo đảm chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam mà không mở rộng đối với cả đối tượng có khả năng bị tạm giam… nên chưa có sự thống nhất cao về đối tượng áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm. Bởi theo quy định của Điều 93 Bộ luật TTHS thì biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm là “biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam” nên cần được hiểu là có thể được áp dụng đối với cả bị can, bị cáo đang bị tạm giam lẫn bị can, bị cáo có khả năng bị tạm giam.

Thạc sỹ Phạm Như Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Học viện Tư pháp) 

Đừng làm khó dân nghèo

Dự thảo Thông tư quy định, căn cứ vào khả năng tài chính của bị can, bị cáo, của người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chưa thành niên, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền, trị giá tài sản cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm hiệu quả ngăn chặn của biện pháp này. Như thế thì cũng chưa thực sự rõ ràng, thậm chí không minh bạch nếu như cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) không phân minh.

Việc quy định mức tiền đặt để thay thế cho biện pháp tạm giam cũng cần phải được cân nhắc phù hợp với thu nhập và tình hình kinh tế của nước ta chứ đừng làm khó người nghèo. Bởi nếu quy định mức tiền tài sản có giá trị đảm bảo cao quá thì chỉ có người giàu mới có điều kiện áp dụng biện pháp này.

Ông Phạm Văn Bộ (phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội)