Đặt tiền để được tại ngoại: Nhân văn và hạn chế những hệ lụy

ANTD.VN - Mới đây, dự thảo Thông tư liên tịch về việc bị can, bị cáo đặt tiền để được tại ngoại trong quá trình giải quyết vụ án hình sự đã được hoàn tất. Đa phần ý kiến đều cho rằng đó là một bước tiến trong cải cách tư pháp, là cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và cũng phù hợp với xu hướng pháp luật tiên tiến trên thế giới. Vậy nhưng vẫn còn một số ý kiến tỏ ra băn khoăn khi cho rằng dự thảo Thông tư liên tịch vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Bị giam trở lại nếu vi phạm cam kết 

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao và Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao vừa xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền mà bị can, bị cáo đã đặt để thực hiện và cụ thể hóa quy định tại Điều 122, Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015.

Theo đó, cơ quan điều tra, VKSND và TAND sẽ quyết định việc đặt tiền của các bị can, bị cáo hoặc người thân của họ để đảm bảo cho bị can, bị cáo được tại ngoại. Số tiền “đặt cọc” sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị can, bị cáo và khả năng tài chính của họ.

Cụ thể, Điều 5 dự thảo Thông tư liên tịch quy định: Mức tiền đặt để bảo đảm sẽ không dưới 30 triệu đồng đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng; 50 triệu đồng với trường phạm tội nghiêm trọng và 200 triệu đồng đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng. Dự thảo cũng xác định, đối với một số trường hợp đặc biệt như gia đình bị can, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người thuộc dân tộc thiểu số… thì các cơ quan tố tụng nêu trên có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm cho bị can, bị cáo được tại ngoại thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

Để được tại ngoại trong quá trình giải quyết vụ án thì khi đặt tiền, bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan chức năng; không bỏ trốn, không tiếp tục phạm tội hoặc không gây nguy hiểm cho xã hội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu bị can, bị cáo thực hiện không đúng các cam kết thì lập tức sẽ bị tạm giam trở lại và số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. 

Cùng với các nội dung vừa nêu, dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao cũng quy định rõ những trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền đảm bảo để không bị tạm giam, gồm: Bị can, bị cáo phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia và bị can, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2, Điều 3 của dự thảo). Về thời hạn đặt tiền để không bị tạm giam, dự thảo quy định không quá thời hạn điều tra, truy tố và xét xử. Khi bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì VKSND, TAND có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt. 

Hạn chế những thiệt hại không đáng có

Bàn về dự thảo Thông tư liên tịch nêu trên, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thật ra vấn đề này không có gì là mới bởi nó đã được quy định tại Điều 93, Bộ luật TTHS năm 2003. Theo đó căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với xã hội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, CQĐT, VKSND và TAND có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập. Đây chính là một trong những biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo nhằm thay thế biện pháp tạm giam.  

Viện dẫn rõ hơn, luật sư Giang Hồng Thanh chỉ ra tại Thông tư liên tịch số 17/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 14-11-2013 hướng dẫn Điều 93, Bộ luật TTHS cũng đã quy định các mức đặt tiền bảo đảm để được tại ngoại là 20 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng và 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.

“Việc bị can, bị cáo được tại ngoại không đồng nghĩa với việc họ được giảm nhẹ hậu quả pháp lý tương ứng với tính chất, mức độ phạm tội gây ra, một khi bị tòa án kết tội”.     

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Kế thừa tinh thần của Bộ luật TTHS cũ và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, Bộ luật TTHS năm 2015 tiếp tục coi trọng ý nghĩa nhân văn này. Biện pháp tạm giam sẽ từng bước được hạn chế đến mức thấp nhất. Mặt khác, thực tế cho thấy việc tạm giam bị can, bị cáo thường kéo theo nhiều hệ lụy. Những hệ lụy thường thấy khi áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo là sức khỏe, tinh thần bị suy giảm và thậm chí tính mạng bị xâm phạm; công việc sản xuất, kinh doanh bị đình đốn; kinh tế gặp nhiều khó khăn; những người sống phụ thuộc vào người bị tạm giam bị ảnh hưởng nặng nề… Do đó mà cần những biện pháp ngăn chặn khác, trong đó đặt tiền để được tại ngoại luôn là biện pháp tích cực nhằm hạn chế những thiệt hại không đáng có đối với người phạm tội.

Từ những phân tích đưa ra, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng biện pháp đặt tiền để bị can, bị cáo tại ngoại cần được áp dụng một cách sâu rộng, triệt để. Và lẽ dĩ nhiên là không phải bất kỳ loại tội nào cũng được áp dụng biện pháp nhân văn này. Mức tiền bảo đảm cho bị can, bị cáo được tại ngoại trong quá trình giải quyết vụ án đang được đề xuất là từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bởi lẽ đây được xem như loại tiền “đặt cọc” để đảm bảo rằng người có hành vi phạm pháp sẽ không bị giam giữ nhưng phải chấp hành đúng quy định của cơ quan tố tụng đề ra. Và nếu họ vi phạm một trong số những quy định, điều kiện thì sẽ bị tạm giam trở lại, đồng thời sẽ bị tịch thu toàn bộ số tiền “đặt cọc”. 

Nhìn nhận dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao về đặt tiền để được tại ngoại, luật sư Nguyễn Đình Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hưng Giang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội và nguyên là Kiểm sát viên Cao cấp VKSND Tối cao tỏ ra băn khoăn khi cho rằng nội hàm Thông tư liên tịch cần phải thể hiện được đầy đủ tinh thần của Điều 122, Bộ luật TTHS năm 2015. Bởi lẽ bản chất và tinh thần của điều luật này là “đặt tiền đảm bảo”. Đó chính là một trong những biện pháp ngăn chặn (mục 1, Chương VII - Bộ luật TTHS) nhằm phục vụ việc giải quyết vụ án, trong các giai đoạn tố tụng.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng dẫn ví dụ về chế định án treo (miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện), quy định tại Điều 60, BLHS năm 1999, sửa đổi năm 2009 và được giữ nguyên tại BLHS năm 2015. Cụ thể là: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm…

Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”. Theo nguyên Kiểm sát viên Cao cấp, chế định về án treo hiện nay vừa có tính khái quát, pháp điển hóa cao, lại vừa cụ thể và rất dễ áp dụng trong thực tiễn. 

Phân tích rõ hơn về việc đặt tiền để được tại ngoại, vị luật sư này cho rằng thực chất đó là một biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo có điều kiện. Ngoài ra, biện pháp ngăn chặn này còn nhằm một mục đích khác là “đề phòng có sự bất trắc” thì khoản tiền đặt trước sẽ là thứ để bù đắp một phần thiệt hại về vật chất do hậu quả của hành vi phạm tội gây ra.

Những ý nghĩa ấy đã được pháp điển hoá trong lý luận về đường lối xử lý đối với người nước ngoài phạm tội và hoàn toàn đúng với tinh thần, lời văn của điều luật “Đặt tiền để bảo đảm”, Điều 122, Bộ luật TTHS. Về số tiền đặt bảo đảm, luật sư Nguyễn Đình Hưng nhìn nhận, không nên hoạch định một mức chung cho từng tội danh cá biệt hoặc một mức chung tương ứng với tính chất, mức độ tội phạm là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Thay vào đó thì bị can, bị cáo sẽ phải bảo đảm bằng một khoản tiền tương ứng với phần lớn hậu quả thiệt hại về vật chất mà hành vi phạm tội gây ra.

“Nói tóm lại về nguyên tắc và yêu cầu đặt ra là Thông tư liên tịch vừa phải thể hiện được tầm vĩ mô, khái quát lại vừa đặt ra được những quy định rất cụ thể và không bị chồng chéo hay vụn vặt”, nguyên Kiểm sát viên Cao cấp Nguyễn Đình Hưng kỳ vọng.  

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Quang Tiến, Công ty TNHH Luật Bảo Thiên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng nếu ấn định một mức tiền cụ thể thì trước hết sẽ liên tục phải điều chỉnh theo để phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác sẽ không tạo ra được sự chủ động, linh hoạt cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thế nên, thay vì quy định một cách cứng nhắc, tuyệt đối, thông tư nên quy định việc đặt tiền để tại ngoại dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong thực tiễn gắn với hậu quả vật chất mà người vi phạm pháp luật hình sự gây ra. Cùng với đó, thông tư cũng cần quy định khoản tiền đặt trước sẽ được chuyển sang để bảo đảm thi hành án đối với Nhà nước và bị hại trong các trường hợp cần thiết, ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.