Đặt mình vào vị thế người dân để giải quyết công việc của dân

ANTD.VN - LTS: Tinh thần tôn trọng nhân dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc bức xúc của dân sẽ tạo ra hiệu quả vô cùng mạnh mẽ về kinh tế, xã hội. Trong những ngày đầu năm mới 2019, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Chiến và Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an về vấn đề này.

Nhận định về công tác đối thoại, tiếp dân của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Chiến cho rằng, theo Luật Tiếp công dân, một năm người đứng đầu UBND cấp tỉnh, thành phố ít nhất phải có 12 ngày trực tiếp gặp và lắng nghe nguyện vọng của dân. Khi đã luật hóa việc tiếp công dân thì không đơn thuần là chuyện lãnh đạo gặp gỡ lắng nghe dân mà còn là trách nhiệm thực thi công vụ, chấp hành luật pháp của họ.

Đặt mình vào vị thế người dân để giải quyết công việc của dân ảnh 1Phóng viên Báo ANTĐ phỏng vấn Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Chiến 

- PV: Công tác tiếp dân đã được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Với cương vị là luật sư, ĐBQH, ông có thể cho biết rõ hơn những quy định hiện hành về công tác tiếp công dân?

- Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Chiến: Khoản 5 điều 12, Luật Tiếp công dân ghi rõ: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày/1 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này”. Như vậy, trừ trường hợp đột xuất, một năm người đứng đầu UBND cấp tỉnh, thành phố ít nhất phải có 12 ngày trực tiếp gặp và lắng nghe nguyện vọng của dân. Theo thống kê, tính bình quân cả nước, số ngày tiếp dân chỉ gần 50%, nghĩa là có đến 6 tháng/năm dân không được gặp lãnh đạo. Một số tỉnh Chủ tịch tỉnh không tiếp dân ngày nào. Đa số ủy quyền cho cấp phó.

Luật quy định như vậy là tạo cơ hội cũng như ràng buộc trách nhiệm để lãnh đạo gặp gỡ, gần gũi dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề nảy sinh trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình. Lẽ ra, chuyện gần dân, đi sâu đi sát quần chúng nhân dân là đương nhiên đối với người đảng viên, người cán bộ cách mạng.

Điều lệ Đảng cũng nêu rõ: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân…”. Khi tiếp công dân đã được luật hóa thì việc lãnh đạo gặp gỡ lắng nghe dân không chỉ là trách nhiệm thực thi công vụ của họ mà còn là sự chấp hành luật pháp. 

Có thể thấy, việc quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp thực hiện tiếp, đối thoại với công dân được coi là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phát huy dân chủ, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, pháp luật.

- Ông có thể thẳng thắn chỉ ra những hạn chế hiện tại của công tác tiếp dân ở các bộ, ngành, địa phương hiện nay?

- Quá trình tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo vẫn còn bộc lộ những điểm hạn chế, đó là nhiều vụ việc chưa phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền để có thể giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ khi mới phát sinh ở cấp cơ sở.

Mặc dù, lãnh đạo bận thực thi công vụ là đương nhiên, song việc tiếp công dân, trực tiếp đối thoại với dân theo quy định của pháp luật cũng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng so với nhiệm vụ khác nên không thể bỏ ra ngoài kế hoạch công việc của mình. Hơn nữa, theo quy định, một năm người đứng đầu UBND cấp tỉnh, thành phố ít nhất chỉ phải có 12 ngày trực tiếp gặp dân. Thực trạng này cho thấy khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” ở đâu đó vẫn chỉ là khẩu hiệu treo tường”.

Không ít người dân vất vả đội đơn, ăn chực nằm chờ đi khiếu kiện chỉ mong được gặp lãnh đạo vài chục phút để giãi bày nhưng không được gặp. Rõ ràng việc đối thoại, tiếp dân đã được luật định, người dân không đi xin hoặc làm phiền nhưng người có trách nhiệm không thực thi công vụ để giải quyết rốt ráo mà lảng tránh, đùn đẩy thì càng khiến vấn đề thêm phức tạp, kẻ nhũng nhiễu có cơ hội lấn tới.

Đặt mình vào vị thế người dân để giải quyết công việc của dân ảnh 2Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp công dân ngày 18-12-2018

- Theo ông, hậu quả của việc lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp dân là gì? Vì sao phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tiếp dân? Giải pháp đối với vấn đề này?

- Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người dân gửi đơn khiếu nại đến khắp nơi, đơn thư vượt cấp, gửi nhiều ban, ngành, cơ quan do khâu đối thoại, giải quyết của cấp cơ sở không thấu đáo. Cấp trên nhận đơn thư, văn bản chỉ đạo lòng vòng và không thống nhất. Tại một số địa phương đã diễn ra tình trạng tiếp dân một cách hời hợt, cho xong. Cách làm đó thực tế làm giảm lòng tin của dân vào Đảng, chính quyền, đã gây thêm bức xúc cho người dân và làm phát sinh thêm khiếu kiện phức tạp khác.

Do đó, theo tôi cần chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ này, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng tiếp dân, đề cao văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tốt hơn. Cán bộ cần thấu hiểu câu nói “Ai chưa từng làm dân thì hãy làm dân để thấu hiểu cho dân”. Suy nghĩ ấy cho thấy lòng dân đang cần đối thọai để cán bộ nghe dân, tin dân và chia sẻ với dân, đặt mình vào vị thế người dân để giải quyết việc của dân để lấy lại lòng tin yêu của dân với chính quyền.

Bên cạnh đó, phải tiến hành các giải pháp đồng bộ từ tổ chức thực hiện, quy trình tiếp giải quyết kiến nghị của công dân, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, phân loại đơn thư khiếu nại tố cáo sẽ tránh được việc đơn thư chuyển lòng vòng, giải quyết chồng chéo, chuyển đơn nhiều lần với cùng một nội dung. Phần mềm tích hợp sẽ giúp kiểm soát được quá trình xử lý đơn thư, Trung ương đã trả lời thế nào, địa phương trả lời ra sao, mức độ giải quyết đến đâu, sẽ không dẫn đến sự chồng chéo, lặp lại…

Đặc biệt, phải phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đưa vào trong quy chế phối hợp trách nhiệm của các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và liên quan tăng cường đối thoại, giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân đi khiếu nại tố cáo thực hiện đúng luật. 

- Hiện nay, một vấn đề quan trọng được rất nhiều người đặc biệt quan tâm là “hậu đối thoại”? Ông đánh giá thế nào về khâu này?

- Cho dù kết quả bước đầu sau các buổi đối thoại đã được người dân ghi nhận, hoan nghênh nhưng còn đó nhiều lo lắng, băn khoăn về việc thực hiện lời hứa, thực hiện các chỉ đạo khắc phục bất hợp lý sẽ được triển khai như thế nào trong thực tế cuộc sống. Đây cũng là khâu rất quan trọng khẳng định uy tín của cấp ủy, chính quyền đối với việc giải quyết đến nơi đến chốn những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, những nguyện vọng chính đáng của người dân.

Người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải sẵn sàng tâm thế đối thoại, tiếp xúc với nhân dân và việc đối thoại cần triển khai càng sớm càng tốt, thể hiện sự gần dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Được biết, hiện nay nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với nhân dân. Như, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố. 

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố đã thành lập tổ công tác tham mưu giúp Chủ tịch về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đối thoại với dân thể hiện trách nhiệm trong việc thực thi công vụ, chấp hành pháp luật và ý thức trách nhiệm với dân của người đứng đầu thành phố. Như vậy, Hà Nội không những thực hiện tốt công tác đối thoại mà công tác “hậu đối thoại” cũng được thành phố chú trọng.