Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp

ANTĐ - Ngày 13-3, tại hội nghị ĐBQH chuyên trách, Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thông tin một số vấn đề lớn nổi lên qua hơn hai tháng rưỡi lấy ý kiến nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban biên tập dự thảo, ông Phan Trung Lý (ảnh), xung quanh các quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4, ông Phan Trung Lý cho biết, về cơ bản, các ý kiến góp ý gửi đến đều tán thành với nội dung chương I. Có ý kiến đề nghị Điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng.

Song, Ban biên tập nhận thấy, Điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế thừa và giữ những nội dung quy định tại Điều 4 Hiến pháp hiện hành, việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại điều 4 cũng như bổ sung một số nội dung mới “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình” là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.

Liên quan tới một vấn đề đặc biệt quan trọng khác, được đông đảo người dân quan tâm – chế độ sở hữu đất đai, có ý kiến đề nghị nên quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai. Tuy vậy, Ban biên tập cho rằng, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp năm 1980 đến nay là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia, đồng thời, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam.

Xung quanh Chương IV (về bảo vệ tổ quốc), ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định quá cụ thể về việc “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam”. Ban biên tập nhận thấy, ở nước ta, lực lượng vũ trang là công cụ của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng lực lượng vũ trang luôn trung thành với Đảng và cũng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì lực lượng vũ trang mới thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ. Vì vậy, quy định của Hiến pháp về vấn đề này là phù hợp và cần thiết. 

Góp ý cụ thể vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều ĐBQH chuyên trách đề cập tới nội dung tổ chức chính quyền địa phương. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nói: “Thiết chế Nhà nước là đặc biệt quan trọng. Nó phải đứng trên nền tảng vững chắc, chứ không thể lấy ý kiến nọ, kia lắp ghép lại thành ra rối tung. Vấn đề này đáng ra phải làm rất kỹ nhưng rốt cuộc chỉ nêu qua loa.” ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lo lắng: “Thí điểm không tổ chức HĐND huyện quận phường là để rút kinh nghiệm sửa đổi trong Hiến pháp chứ không phải sửa Hiến pháp để phục vụ thí điểm. Làm như vậy là ngược. Tôi đề nghị dự thảo phải quy định rõ chính quyền địa phương gồm mấy cấp, cách thức thành lập ra sao?” 

Cùng quan điểm, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) phát biểu: “Vấn đề HĐND đã bị bỏ ngỏ 20 năm nay. Vừa rồi, chúng ta đã thí điểm bỏ HĐND huyện quận phường gần 4 năm ở 10 tỉnh, thành phố. Đã tới lúc tổng kết để có chính kiến rõ ràng vì không thể kéo dài mãi cảnh cùng lúc duy trì 2 mô hình, nơi có HĐND, nơi lại không”. ĐB Trần Du Lịch kiến nghị, “ở đâu có chính quyền, ở đó phải có cơ quan dân cử”. Ông đề xuất chia tổ chức chính quyền thành 3 cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp cơ sở). Đồng thời, phải tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương.