Đất đai công hữu vẫn được bồi thường hoa màu, tài sản

ANTD.VN -  Từ những năm 80 của thế kỷ 20, gia đình tôi bị công hữu khu ao diện tích hơn 500m2 cho hợp tác xã. Chúng tôi đã chấp hành chủ trương này, và chỉ canh tác, gieo trồng trên bờ xung quanh ao. Năm 2017, huyện tiến hành giải phóng mặt bằng khu vực ao, và không đả động việc đền bù đối với cây trồng của gia đình chúng tôi xung quanh bờ ao. Chúng tôi cho rằng, Nhà nước chỉ công hữu mặt nước, còn tài sản cây cối trên bờ ao thuộc sở hữu, quyền lợi của mình. Đề nghị luật sư cho biết, quyết định công hữu ao có bao gồm cả mặt nước lẫn bờ, hay chỉ công hữu mặt nước?  Bùi Thị Doan (Gia Lâm, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự; Địa chỉ: Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Trả lời: 

Nhà nước công hữu hóa phần diện tích đất của gia đình chị sẽ bao gồm toàn bộ mặt bằng diện tích cả mặt nước và bờ ao. Tuy nhiên, vì lý do nào đó người được giao không quản lý và sử dụng mà gia đình chị vẫn là người trồng cây cối, hoa màu xung quanh bờ ao thì phần cây cối hoa màu đó thuộc tài sản của gia đình chị. Cũng chính vì thế khi Nhà nước thu hồi thì diện tích đất gồm mặt ao và bờ ao, gia đình chị sẽ không được bồi thường nhưng phần tài sản trên đất thì sẽ vẫn được bồi thường.

Sở dĩ như vậy là vì căn cứ vào Điều 88 - Luật Đất đai 2013 về “Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất”. Cụ thể, khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường. Tương tự, khi thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại. 

Điều 90 - Luật Đất đai cũng xác định, khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định: Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch.

Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất. Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất.

Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại và đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Và không chỉ có cây trồng, vật nuôi trên cạn, khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản, chủ sở hữu cũng được bồi thường. Theo đó, đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường.

Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định… 

Từ quy định trên có thể thấy mức bồi thường đối với cây trồng vật nuôi sẽ do UBND cấp tỉnh quy định. Còn tại Hà Nội thì mức bồi thường đối với cây trồng vật nuôi hiện nay sẽ áp dụng Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29-3-2017 của UBND thành phố Hà Nội quy định tại Điều 18.

Trên thực tế, trong công tác giải phóng mặt bằng đối với tài sản là cây cối, hoa màu có chủ và không có tranh chấp mà một số hộ gia đình tăng gia sản xuất trước thời điểm thực hiện kê khai giải phóng mặt bằng thì tổ công tác và Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án đều xem xét bồi thường hỗ trợ, nhưng mức bồi thường thường không nhiều.