Đất đai, cá độ, chứng khoán... cùng 'bước' vào cải lương

ANTĐ -Trong khi các nhà hát đang rầm rộ dựng vở để tham gia liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc thì Nhà hát Cải lương Hà Nội đã kịp tung ra vở diễn liên quan tới đề tài nóng của cuộc sống đương đại. “Mong gió đừng đổi chiều” đã đề cập trực diện tới bi kịch gia đình nảy sinh từ đất đai.

Bi kịch của lòng tham

Dựa trên kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Trần Quang Hùng cùng các nghệ sỹ Nhà hát Cải Lương Hà Nội đã mang đến cho những người yêu mến nghệ thuật sân khấu một vở diễn đầy xung đột và kịch tính. Không lựa chọn lối vào vở gây kịch tính ngay từ giây phút mở màn, vở diễn đã mở ra trước mắt người xem khung cảnh hạnh phúc và đầm ấm của một gia đình thuần Việt.

Nhưng không để khán giả phải chờ đợi lâu, sự mâu thuẫn đã bắt đầu xuất hiện khi ông Năm, người cha của 5 đứa con quyết định chia số tiền đã bán từ mảnh đất nhà ông. 5 hộp vàng được đưa ra để chia cho mỗi con một hộp. Cũng từ đó, sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các con của ông Năm về số vàng thực tế đựng trong mỗi hộp đã dẫn dắt khán giả đến với bi kịch của lòng tham, con lừa dối cha, em lừa dối anh, anh em ghen ghét, thù hằn nhau. 

Vở cải lương đã được mở đầu bằng khung cảnh hạnh phúc của gia đình ông Năm. 

Nếu như vở diễn chỉ dừng lại ở việc diễn tả mâu thuẫn gia đình có lẽ đã không lấy đi của khán giả nhiều cảm xúc đến thế. Đan xen trong bi kịch đang đẩy cao dần qua từng lớp cảnh, đạo diễn đã dùng đến những hình ảnh mang tính biểu trưng cho nề nếp gia phong đã tồn tại bao đời này như: hình ảnh ngôi nhà cổ, chiếc giếng khơi để gợi người xem đến với ý nghĩa cao cả của truyền thống gia đình, quá khứ tốt đẹp đã từng hiện diện trong ngôi nhà của ông Năm.

Hơn thế, việc tạo ra khung cảnh của ngôi nhà cổ ngay trên sân khấu cũng làm dịu đi và làm lòng người lắng xuống khi chứng kiến những mâu thuẫn gia đình đang dồn dập xảy ra. Không chỉ đề cập tới vấn đề đất đai, vở cải lương còn “nóng” ở nạn cá độ bóng đá, chơi chứng khoán bị thua khi các con của ông Năm tham gia. Đó là những nguyên nhân khiến cho lòng tham trong mỗi con người được dịp bộc lộ rõ ràng và nhiều thủ đoạn mưu mô đã xuất hiện.

Ông Năm đã ngã quỵ khi biết tin ngôi nhà cổ sẽ bị bán.

Sử dụng kết mở
           
Cậu em út trong gia đình từ một người khỏe mạnh nhưng vì nợ nần cá độ bóng đá đã giả vờ bị ung thư gan, rồi cô chị cũng chơi chứng khoán nợ đến 5 tỷ…đã đưa đến việc ông bố bán ngôi nhà cổ để trả nợ cho các con. Thế nhưng, ngôi nhà cổ lại là nơi mà vợ chồng ông Năm có nhiều kỷ niệm nên trong vở đã xuất hiện màn độc thoại ông Năm với hồn ma người vợ đã mất rất mùi mẫn, khiến cho ai cũng rưng rưng xúc động.

Lúc này, gia đình ông Năm đã chia thành 2 phe: một bên quyết giữ ngôi nhà cổ, một bên quyết bán để giả nợ. Cuối cùng, sau màn biểu quyết lấy ý kiến của số đông. Ngôi nhà đã quyết định được bán. Cao trào của vở kịch đã được đẩy lên đỉnh điểm khi cả gia đình ngồi chờ người mua đến giao tiền mới ngả ngửa ra: người bỏ tiền ra mua ngôi nhà này chính là anh cả, người đã chấp nhận bán ngôi nhà riêng anh ta đang ở cùng với số vàng được ông Năm chia cho.
Đất đai, cá độ, chứng khoán... cùng 'bước' vào cải lương ảnh 3

Người anh cả đã âm thầm bán ngôi nhà đang ở để cứu ngôi nhà cổ.

 
Nhưng đấy chưa phải là cái kết của vở cải lương. Những xung đột và câu chuyện đã từng diễn ra chỉ là giấc mơ của ông Năm trong căn nhà cổ. Ông tỉnh dậy và vùng chạy khỏi những đứa con đang vây quanh mình. So với các vở cải lương hiện đại đã từng ra mắt trước đó, vở cải lương này đã tạo ra một cái kết mở để mỗi người xem khi rời rạp hát sẽ tự suy luận theo một hướng riêng cho vở diễn. Đó cũng là một nét mới trong khai thác cải lương hiện đại của đạo diễn Trần Quang Hùng. Ngay khi vừa ra mắt khán giả tại rạp Hồng Hà, vở cải lương đã nhận được cái gật đầu của các nhà quản lý và sẽ đưa vào khai thác biểu diễn bắt đầu từ tháng 7-2012. 
Đất đai, cá độ, chứng khoán... cùng 'bước' vào cải lương ảnh 4

Kết mở của vở cải lương là một cách khai thác mới về đề tài đất đai.