Đến Vũng Tàu xem đua chó “Greyhound” (2)

Đặt cược vào những... chân dài

ANTĐ - Môn đua chó do Công ty cổ phần Dịch vụ thể thao thi đấu giải trí SES được chính thức cấp phép từ năm 2001 tại thành phố Vũng Tàu. Đây là điểm duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á tổ chức những cuộc đua chó và cá độ theo cách làm chuyên nghiệp và tiêu chuẩn quốc tế. 

Đặt cược vào những... chân dài  ảnh 1
Sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả


Thú chơi xa xỉ

Nhiều người ở những thành phố lân cận, khách du lịch trong và ngoài nước đã tổ chức tour du lịch đến Vũng Tàu vào thứ bảy hàng tuần với mục đích chính là cá độ đua chó. Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Dịch vụ thể thao thi đấu giải trí SES, đến nay, đua chó ở Vũng Tàu được xây dựng đầu tiên ở Đông Nam Á. Công ty này đang có kế hoạch đầu tư thêm 6 trung tâm tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ... Được biết vào dịp Tết Nguyên đán năm 2012, giải đua chó lần đầu tiên đã được tổ chức tại Việt Nam và Đông Nam Á do công ty tổ chức với tổng giá trị giải thưởng là 418 triệu đồng. 

Được trang bị hiện đại bậc nhất ở Đông Nam Á, sân vận động Lam Sơn có hệ thống chụp ảnh chính xác. Để tăng sự phấn khích cho khán giả khi xem đua chó, công ty được phép tổ chức dự thưởng dựa trên kết quả các trận thi đấu được vận hành bởi hệ thống bán vé dự thưởng và tính điểm hoàn toàn tự động, điều khiển bằng hệ thống máy tính nhập từ nước ngoài. Khán đài có sức chứa 5.000 chỗ ngồi, tầng máy lạnh khoảng 500 chỗ ngồi. Theo đại diện của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trường đua chó đã góp phần thu hút hơn 2 triệu khách đến Vũng Tàu.

Tuy nhiều người thắc mắc khi số tiền đặt cược cho các vòng đua chó là không giới hạn sẽ là môi trường không tốt đối với những đối tượng thích đánh bạc hay những người dễ “cay cú” vì bị thua cá cược, nhưng với cách làm chuẩn và xã hội hoá đáp ứng cho ngành du lịch trong nước phát triển thì đây là một bài toán kinh tế có hiệu quả. Anh Nguyễn Tiến Luân, một dân chơi cá độ chuyên nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi không cổ suý cho kiểu đánh bạc sát phạt nhau, nhưng đây là cách thu hút khách du lịch và tránh chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài”.

Để trở thành Hội viên thẻ Vàng, người chơi có thể nộp một khoản tiền 2.000.000 đồng/năm miễn phí xem đua chó ở tầng máy lạnh, Hội viên thẻ Bạc: 1.000.000 đồng/năm miễn phí xem đua chó ở khu khán đài. Thậm chí muốn sở hữu chó đua, người chơi có thể bỏ tiền ra mua với các mức giá khác nhau từ 8.400.000 đồng - 42.000.000 đồng. Nếu chó đua có chủ sở hữu về hạng nhất, nhì, ba và từ hạng tư đến hạng tám cùng với cấp bậc của mình, người sở hữu sẽ được nhận số tiền thưởng tương ứng. Một chuyên gia huấn luyện chó đua chia sẻ: “Thực ra, việc chơi chó của các đại gia không phải là chuyện gì quá xa lạ. Số tiền mà nhiều người bỏ vào để có được một thú cưng đẳng cấp thậm chí còn cao hơn nhiều con số trên. Tuy nhiên, với Greyhound, người ta không thể mua về để làm cảnh như bao giống chó khác, bởi cái tên “chó đua” đã nói lên tất cả”.

Mang dòng dõi hoàng gia

Được biết, những chú chó đua này có nguồn gốc giống Greyhound được nhập từ Australia. Người ta yêu quý giống chó Greyhound, bởi chúng chạy rất nhanh, khả năng săn mồi nhạy bén. Vào thời Ai Cập cổ đại, những hình vẽ về giống chó này được mô tả trên những đền đài, lăng tẩm của các Pharaon vĩ đại. Giống chó này được coi là những vệ sĩ hộ tống các vị Pharaon và gia đình như một biểu hiện của quyền lực. Sau đó, nó được du nhập đến những nơi khác trên thế giới như Arập, Hy Lạp, Ý,  Pháp,... và từ đó khai sinh thêm nhiều giống chó mới có nguồn gốc từ giống Greyhound. Nhiều năm sau, giống chó này được du nhập vào nước Anh khoảng thế kỷ 14 và được coi là sở hữu riêng của các bậc vua chúa và nữ hoàng. Vì công chúng quá ngưỡng mộ và yêu mến giống chó này nên người ta đã vẽ chúng trên những bức tranh nổi tiếng từ 800 năm trước và được sử dụng làm huy hiệu trên chiếc khiên của những hiệp sĩ nước Anh. 

Sau khi môn đua chó trở nên phổ biến, những chú chó đua Greyhound được giới thiệu sang Mỹ, Australia và những quốc gia khác trên thế giới. Từ đó môn thể thao này ngày càng phát triển và hiện nay đã có Liên đoàn Đua chó thế giới để điều hành và nhân giống chó đua. Mặc dù chó đua Greyhound được sinh ra là để săn bắt, nhưng chúng là một loài vật rất hiền lành, thân thiện với trẻ em và con người. 

Nói Greyhound là những chú chó chân dài có lẽ không sai. Bởi, để có thể đạt được tốc độ trung bình xấp xỉ 60 km/h, ngoài việc sở hữu một thân hình thon gọn, săn chắc thì chúng còn phải có một sải chân dài và mạnh mẽ. Và với giống chó “đặc thù” như vậy thì việc nuôi nấng, chăm sóc và huấn luyện chúng không hề đơn giản. Theo các chuyên gia nuôi dưỡng của Trung tâm Nuôi và huấn luyện chó đua Bà Rịa thì khi chó đua chào đời sẽ được theo dõi kỹ lưỡng trong khu sinh sản, sau đó, sẽ được làm khai sinh và đặt tên. Một tháng sau, các “quý tử” rời khu sơ sinh để bước vào trại “thanh thiếu niên”. Ở đây, chúng được ăn uống theo chế độ “tăng cường sinh lực” gồm thịt Kangaroo và thức ăn khô hiệu Pedigree. Ở 9, 10 tháng tuổi, những chú chó con được đưa vào luyện tập. Sân tập của chúng có nhiều loại với các cự ly dài, ngắn và hình dạng khác nhau, tùy theo từng mục đích huấn luyện. Sau 13 tháng tuổi, những con nào đủ thể lực sẽ được bắt đầu “sự nghiệp” tốc độ của mình. Khẩu phần ăn của các “tay đua” bốn chân này cũng khá đặc biệt. Trước ngày thi đấu, chó được ăn khẩu phần đặc biệt, 2 bữa/ngày.

Ngoài việc ăn uống và luyện tập, chúng còn thường xuyên được kiểm tra y tế để có thể đảm bảo thể lực sung mãn. Sau mỗi cuộc đua, chúng lại được chăm sóc, massage và nghỉ ngơi ở tuần đua kế tiếp nhằm phục hồi trọn vẹn sức khỏe. Bên cạnh đó, để những chú chó Greyhound có thể duy trì được sức đua dẻo dai, tuổi “nghề” dài, cùng một phong độ ổn định thì còn phải đảm bảo một loạt những yêu cầu lớn, bé không tên khác. Hàng tuần, khoảng 80 chú chó đua được chọn vào trường đua ở thành phố Vũng Tàu để phục vụ người xem. Bình quân, mỗi “tay đua” có cơ hội “ra sân” hơn 100 lần trong đời, tức 1-2 tuần/lần và tuổi thọ đua được trong khoảng 4 năm.