Đặt bom giả nơi công cộng để quay video clip, có bị xử lý hình sự?

ANTD.VN - Ngày 21-11, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội đã triệu tập 5 người lên trụ sở để làm rõ hành vi dàn dựng clip giả khủng bố đặt bom trên đường phố. 

Tại cơ quan công an, “Trưởng nhóm” Nguyễn Thành Nam (SN 1994, quê Thái Bình) khai nhận vào đầu năm 2016 Nam cùng 4 thanh niên khác gồm Vương Sơn Lâm (SN 1994, Hà Nội); Đào Khôi Nguyên (SN 1996, trú tai phường Trần Lãm, Thái Bình); Vũ Minh Thắng (SN 1996, Hà Nội) và Bùi Quang Minh (SN 1996, Hà Nội) thành lập nhóm với tên gọi NTN. 

Khoảng tháng 10, Nam nảy sinh ý tưởng làm video ném bom khủng bố, dựa trên clip trên mạng Internet. Nam đã rủ Minh, Lâm, Nguyên cùng tham gia. Ngày 31-10 và 1-11, nhóm NTN đã thực hiện 11 cảnh quay do Nam trực tiếp quay phim và chỉ đạo các vai diễn trong kịch bản. Lâm được “phân vai” mặc áo choàng trắng, ôm “bom” giả. Nguyên, Minh, Thắng nhận nhiệm vụ hỗ trợ ghi hình, đóng “vai phụ”, khi thấy người đặt và đốt “bom”, 3 thanh niên này sẽ “diễn” cảnh chạy trốn. Bất ngờ trước hành động lạ của nhóm thanh niên, nhiều người dân đã hoảng loạn bỏ chạy. Đến ngày 6-11, Nam đã dựng clip hoàn chỉnh có dung lượng 3 phút 53 giây đồng thời chia sẻ đường link lên Facebook để thu hút người xem. 

Trước sự việc gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng tới ANTT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội đã vào cuộc điều tra và phát hiện Nguyễn Thành Nam là đối tương chủ mưu. Tại cơ quan công an, Nam đã thừa nhận việc làm trên và cho rằng mục đích làm video đó chỉ để giải trí, học theo các clip của nước ngoài trên mạng Internet.

Vấn đề cần đặt ra là hành vi của nhóm Nguyễn Thành Nam khi giả đặt bom nơi công cộng để quay video clip có phạm tội không?

Ý kiến bạn đọc 

Không được phép đùa với... bom

Hành vi của các đối tượng trong vụ việc này đã biến nỗi sợ của mọi người trở thành cơ hội kiếm tiền quảng cáo. Việc đột ngột quăng vật thể giả là bom vào người đi đường, hay dọa nói mang bom khiến cho ANTT nơi công cộng bị rối loạn, thậm chí có thể xảy ra giẫm đạp chết người. Cần phải khẳng định rằng mọi hành vi liên quan đến bom đều là hành vi đe dọa đến tính mạng con người và an ninh quốc gia. Do đó, bất kỳ thông tin nào liên quan đến bom luôn đặt mọi người xung quanh vào tình thế căng thẳng. Tại một số khu vực công cộng đặc biệt như sân bay, chỉ cần nhận được thông tin có bom bất kể là có thật hay không, an ninh của khu vực đó ngay lập tức sẽ phải đặt trong tình trạng khẩn cấp. Do vậy, chỉ vì một lời nói đùa cũng có thể làm gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mọi người, vì vậy cần phải xử lý nghiêm các đối tượng này.

Đỗ Văn Hoàng (TP Vinh - Nghệ An)

Đưa và sử dụng trái phép thông tin trên mạng Internet

Hành vi của các đối tượng trong vụ việc này là trái pháp luật, được thể hiện ở việc đã dàn dựng việc đánh bom khủng bố, sau đó sử dụng clip dàn dựng này để đăng tải lên mạng xã hội với mục đích thu hút lượng lớn người truy cập nhằm thu lợi thông qua hoạt động quảng cáo. Đáng chú ý sau khi các đối tượng đăng tải clip lên mạng xã hội đã gây ra sự bất bình trong dư luận. Mặc dù theo khai nhận mục đích của các đối tượng xuất phát từ việc xem clip khủng bố ném bom trên mạng nên nảy sinh ý định làm clip tương tự, tuy nhiên có thể thấy hành vi của nhóm các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội đưa và sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 226, Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Thu Hà (Yên Mô - Ninh Bình)

Có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng

Có thể thấy mục đích của nhóm do Nguyễn Thành Nam thành lập là dựng các clip mang tính chất giật gân để đăng tải lên mạng xã hội nhằm hưởng lợi tiền quảng cáo từ việc người xem clip - đây là hành vi thiếu hiểu biết về pháp luật của các thanh niên. Nhóm đối tượng dàn dựng clip khủng bố giả đặt bom giữa Hà Nội đã gây mất trật tự trị an, gây hoang mang lo sợ cho người dân nên các đối tượng có đã dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245, Bộ luật Hình sự.

Hoàng Quang Tuấn (Thanh Trì - Hà Nội)

Bình luận của luật sư 

Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy, hành vi của các thanh niên đã trực tiếp xâm hại đến 3 khách thể Bộ luật Hình sự:

- Thứ nhất, xâm hại đến an ninh quốc gia: đó là độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân.

- Thứ hai, xâm hại đến trật tự an toàn công cộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân nơi công cộng và khiến nhiều người dân hoang mang lo sợ.

- Thứ ba, xâm hại an toàn trong hoạt động của hệ thống máy tính có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, các tổ chức và đời sống xã hội không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà lan truyền trên toàn thế giới.

Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên khi xem xét đến hành vi phạm tội của các đối tượng cũng cần phải đánh giá và xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý theo các tội danh tương ứng được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Trước hết, nếu để xử lý về tội khủng bố theo Điều 84, Bộ luật Hình sự thì cần phải thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản như xâm hại đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, đối ngoại, tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể con người. Tội khủng bố được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, đe dọa xâm phạm tính mạng không nhằm chống chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội khủng bố và có thể bị xử lý về những tội phạm khác tương ứng. Xét hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, đe dọa xâm phạm tính mạng không nhằm chống chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội khủng bố theo Điều 84, Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Kết quả điều tra của cơ quan công an đã làm rõ toàn bộ các đối tượng đã dàn dựng Clip từ người mặc áo choàng trắng, ôm “bom” giả đến người bị quăng bom là cùng ê-kíp thực hiện nơi công cộng đã gây mất trật tự trị an, gây hoang mang lo sợ cho người dân nên các đối tượng có đã dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245, Bộ luật Hình sự. Mặt khác, sau khi dàn dựng clip quăng bom nơi công cộng, các đối tượng đã đưa lên mạng xã hội Youtube để kiếm tiền quảng cáo từ việc nhiều người xem. Đây là hành vi đưa trái phép các thông tin trên mạng Internet nên các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226, Bộ luật Hình sự.

Tùy theo sự đánh giá về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà các đối tượng đã gây ra thì các cơ quan chức năng có thể xử lý về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội:

1. Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245, Bộ luật Hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013. Cụ thể, hành vi gây mất trật tự tại nơi công cộng như bến tàu, bến xe… có thể bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng (khoản 1, Điều 5). Hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác có thể bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng (khoản 2, Điều 5).

2. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226, Bộ luật Hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm. 

Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;

c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh)